Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Xây thủy điện, sẽ thêm thú quý tuyệt chủng


Các nhà khoa học quan ngại nhiều loài quý hiếm khác ở Vườn quốc gia Cát Tiên cũng bị tuyệt chủng như tê giác Java một sừng Việt Nam nếu hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A được triển khai.

Mặc dù hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A (ĐN 6, 6A) không nằm trên địa bàn nhưng tỉnh Đồng Nai lo ngại khi dự án triển khai sẽ tác động bất lợi đến môi trường, kinh tế-xã hội của địa phương. Hôm qua (25-10), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội thảo đánh giá tác động của hai dự án này đối với hạ lưu và tỉnh Đồng Nai.
Kiểu gì cũng tác động xấu
Ông Võ Văn Chánh, Phó Giám đốc Sở TN&MT, đặt vấn đề: “Trước thông tin trái chiều, gần như mâu thuẫn nhau về hai dự án này, chúng tôi mong muốn lắng nghe những đánh giá khách quan, công tâm, dựa trên quan điểm bảo vệ môi trường, tuân thủ nguyên tắc phát triển bền vững, không chấp nhận đánh đổi bằng mọi giá”.
Theo GS-TSKH Lê Huy Bá, trong giai đoạn xây dựng, việc sử dụng khối lượng lớn xe cơ giới, vật liệu nổ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh vật trên cạn, phá hủy thảm thực vật, thay đổi chế độ dòng chảy, làm thay đổi chất lượng nước sông, gây ô nhiễm, xói mòn bờ sông, từ đó tác động đến hệ thủy sinh. Giai đoạn đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn, nhất là vùng hạ lưu. Đó là làm thay đổi cảnh quan, cản trở sự di cư của thủy sinh, đặc biệt việc tích nước sẽ làm giảm lũ, gia tăng dòng kiệt và tác động lớn đến an ninh lương thực.
Nhiều nhà khoa học đã chỉ ra những tác động xấu trực tiếp, gián tiếp đến chất lượng nước, gây gia tăng xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, gia tăng lũ lụt… Tuy nhiên, điều các nhà khoa học quan ngại hơn cả là hai dự án thủy điện này nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.


Các nhà khoa học quan ngại VQG Cát Tiên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và đa dạng sinh học khi tiến hành xây các dự án thủy điện. Ảnh: TT
Ước tính hai dự án thủy điện trên sẽ làm ngập gần 281 ha đất rừng của VQG Cát Tiên, trong đó có 137 ha trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Theo ông Trần Văn Thành, Giám đốc VQG Cát Tiên, việc triển khai hai dự án này sẽ tác động gián tiếp đến quá trình hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững VQG Cát Tiên, làm ảnh hưởng đến quá trình UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới và thậm chí bị rút khỏi danh hiệu khu Ramsar, khu dự trữ sinh quyển mà thế giới công nhận.
“Đi theo” tê giác một sừng
TS Vũ Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học và Phát triển, cho biết trong một tuần khảo sát nhanh về tính đa dạng sinh học khu rừng Cát Lộc, nơi dự kiến xây dựng hai thủy điện trên, đã ghi nhận được sự đa dạng của các nhóm chim, hệ thú, thảm thực vật. Trong đó có nhiều loài thuộc nhóm quý hiếm trong sách đỏ như gà so cổ hung, gà tiền mặt đỏ, hồng hoàng (nhóm chim); vượn đen má vàng, chà vá chân đen (hệ thú)…
Ông Long cho hay tê giác Java một sừng ở VN đã tuyệt chủng là thông tin đau buồn nhưng đồng thời cũng là sự cảnh tỉnh. Bởi WWF đã nhận định mất sinh cảnh sống là yếu tố then chốt dẫn đến sự tuyệt chủng của tê giác Java tại VN; đồng thời cảnh báo việc thực thi pháp luật không thỏa đáng, quản lý thiếu hiệu quả, xâm lấn đất và xây dựng cơ sở hạ tầng bên trong hoặc gần các nơi được bảo vệ chỉ làm tăng thêm áp lực cho các quần thể loài vốn đã dễ bị tổn thương.
Đồng tình, GS-TSKH Lê Huy Bá nhận định trong khi trào lưu thế giới đang ngưng đầu tư thủy điện thì ta vẫn tiếp tục đầu tư dàn trải mà xem nhẹ những ảnh hưởng. Do vậy, cần nghiêm túc đánh giá lại tác động môi trường đối với dự án, trong đó phải thực hiện nghiêm túc rõ ràng từng tác động của hai dự án nhằm giải bài toán kinh tế, TN&MT một cách toàn diện.
Cuộc chiến giữa các nhà khoa học!
Ngày 6 và 7-8, Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật VN cùng Mạng lưới sông ngòi VN (VNR) đã khảo sát thực địa, tổ chức hội thảo quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn, đề cập sâu đến dự án thủy điện ĐN 6, 6A. Hội thảo thể hiện sự lo ngại về các hậu quả do hai dự án này gây ra nhưng báo cáo đánh giá tác động môi trường lại quá sơ sài… Sau đó, VNR kiến nghị Quốc hội, Chính phủ yêu cầu đánh giá lại toàn diện những tác động của hai dự án.
Không lâu sau, ngày 30-9, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN (VACNE) cũng tổ chức hội thảo về các vấn đề môi trường của hai dự án thủy điện này. Hội thảo kết thúc chóng vánh trong một buổi và phát văn bản cùng ngày, kiến nghị cho phép triển khai dự án ĐN 6, 6A. Trong văn bản, VACNE chỉ kiến nghị biện pháp kỹ thuật-pháp lý nhưng lại thiếu những kiến nghị nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên như tôn chỉ mục đích của tổ chức. Chủ VQG Cát Tiên khẳng định nhiều nhà khoa học tham dự hội thảo chưa từng đến vườn nhưng vẫn có những phát biểu hùng hồn!
Buổi hội thảo hôm qua không có những nhà khoa học “của VACNE” mà theo lý giải của cơ quan chủ trì là vì Đồng Nai nằm ở cuối nguồn, thật sự muốn biết người dân địa phương bị ảnh hưởng ra sao nên không cần những người nghiên cứu trên… giấy.
Hai dự án do một chủ đầu tư thực hiện, ở một vị trí cụ thể nhưng sự thật về ảnh hưởng của chúng dưới “con mắt khoa học” lại có sự khác biệt rất lớn. Vẫn biết rằng đã là khoa học thì khó có thể có kết quả duy nhất nhưng kết quả có sự khác biệt lớn, gần như đối nghịch nhau thì quả là khó hiểu.
Cuộc chiến với những thông tin trái chiều này đang khiến người dân hoang mang. Bởi lẽ dù không am hiểu, không đưa ra được những đánh giá khoa học như các chuyên gia nhưng họ có quyền đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền xem xét cẩn trọng, thấu đáo để có quyết định đúng đắn.
MINH PHONG
Cân nhắc xây thêm thủy điện trên lưu vực
Ngoài việc nêu ra những tác động tiêu cực, các ý kiến còn đề nghị làm rõ các dự án có phù hợp với pháp luật về tài nguyên nước, bảo vệ và phát triển rừng, đa dạng sinh học. Các đại biểu đề nghị Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh báo cáo, kiến nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc kỹ việc thực hiện quá nhiều dự án thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai, nhất là hai dự án ĐN 6, 6A vì xâm phạm diện tích VQG, nơi có nhiều loài sinh vật quý cần được bảo vệ.
Ông VÕ VĂN CHÁNHPhó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai
“Mong muốn giữ nguyên diện tích rừng”
Đó là kiến nghị của đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai. Theo đó, hai dự án thủy điện này có thể tham gia giảm lũ, giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương, giải quyết nhu cầu điện… nhưng cạnh đó, số diện tích rừng mất đi rất lớn, không chỉ dừng ở 137 ha như con số ban đầu. Việc phát triển lưới điện quốc gia là ưu tiên nhưng cần cân nhắc cái được cái mất.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét