Xung quanh việc VACNE tổ chức hội thảo, sau đó công bố ủng hộ dự án xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A mà Báo Người Lao Động đã thông tin từ ngày 1-10 đến nay, rất nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự bức xúc
Ngày 30-9, Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam (VACNE) tổ chức hội thảo “Các vấn đề môi trường liên quan đến dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A” tại Hà Nội. Tiếp đó, PGS-TS Lê Bắc Huỳnh, Phó Tổng Thư ký VACNE, công bố bản tổng kết hội thảo khẳng định đa số đại biểu đã tán đồng việc cho phép triển khai dự án này. Trả lời Báo Người Lao Động, PGS-TS Nguyễn Đình Hòe ngày 3-10, Trưởng Ban Phản biện Xã hội của VACNE, cũng cho biết hội này “ủng hộ có điều kiện” việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Bền vững nổi gì!
Xung quanh những thông tin nêu trên, hàng trăm bạn đọc đã phản hồi đến báo bày tỏ bức xúc trước sự vô cảm của một tổ chức với tên gọi “bảo vệ thiên nhiên và môi trường” lại tán đồng việc tàn phá môi trường và thiên nhiên.
Bạn đọc Dương Quốc Toàn bày tỏ: “Họ có hiểu được những người sinh ra và lớn lên từ rừng như chúng tôi thấy rừng quý như thế nào không? Dù mất đi một hecta rừng cũng xót lắm, mà đây lại là rừng quốc gia. Mọi người phản đối việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là có lý do vì hiện nay, các công trình thủy điện xây dựng đã và đang bức tử các khu rừng, dòng sông”.
Các chuyên viên và nhà khoa học khảo sát khu vực dự kiến xây dựng thủy
điện trong Vườn Quốc gia Cát Tiên vào tháng 8-2011. Ảnh: Thu Sương
Theo bạn đọc Nguyễn Thành Chung, kết luận khoa học phải dựa trên các cơ sở khoa học và quá trình lập luận hợp logic. Trong khi đó, bạn đọc Quang Thanh cho rằng với một dự án quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc mưu sinh và tính mạng hàng vạn người dân; đồng thời làm nguy hại đến những lá phổi hiếm hoi còn lại ở nước ta thì các nhà khoa học cần đứng trên góc độ lợi ích chung. “Đừng nghĩ rằng ảnh hưởng nhỏ mà ủng hộ, trong khi Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của hiện tượng thay đổi khí hậu. Xin các nhà khoa học đừng nên xem nhẹ, hãy nghĩ đến tương lai con cháu chúng ta” - bạn đọc này “van vỉ”.
Bạn đọc Tấn Trường lo ngại: “Theo họ nói thì dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không nằm trong vùng Vườn Quốc gia Cát Tiên! Chỉ cần thi công ở giữa khu vực vườn quốc gia thì chẳng còn con vật nào dám ở đó và điều đương nhiên là chẳng ai có thể giữ được các loại gỗ quý tại đây”. Còn bạn đọc Văn Danh thì bức xúc: “Bền vững nổi gì! Xin đừng vô cảm! Thế hệ mai sau sẽ phải trả giá cho những quyết định vội vàng, sai lầm của những người đi trước”.
Phản biện chỗ nào?
Nhiều bạn đọc còn bức xúc vì PGS-TS Nguyễn Đình Hòe mang danh là Trưởng Ban Phản biện Xã hội của VACNE nhưng lại có những ý kiến không thấy phản biện chỗ nào cả. “Thật thất vọng khi người đứng đầu ban phản biện xã hội lại phát biểu một cách thiếu tôn trọng sự phản biện: “Sao cứ chọc ngoáy vào Đồng Nai 6 và 6A”!” – bạn đọc Người Sài Gòn nhận xét.
Bạn đọc Nguyễn Huế nhìn nhận: “VACNE không phản biện xã hội gì cả. Cần phải xem xét lại quy chế hoạt động của hội này để hội hoạt động đúng bản chất là nơi phản biện xã hội về thiên nhiên - môi trường. Sở dĩ thời gian gần đây, cảnh sát môi trường phát hiện nhiều vụ gây ô nhiễm mà trước đó các cơ quan về môi trường và các nhà phản biện xã hội về môi trường không phát hiện là vì xuất phát từ nguyên nhân trên”. Bạn đọc Tống Thi thẳng thắn: “VACNE có tôn chỉ, mục đích rõ ràng là “bảo vệ thiên nhiên - môi trường” nhưng tôi thấy nhiều người ở đây đã làm ngược lại với tôn chỉ, mục đích ấy”.
Bạn đọc Sống Về Đâu băn khoăn: “Các nước tiên tiến trên thế giới đều phản đối việc phá rừng xây dựng thủy điện vì sẽ gây tác hại cho môi trường, hệ sinh thái và nhất là ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân vùng hạ lưu. Nước ta có tiềm năng về điện gió, điện mặt trời, vậy sao các nhà khoa học không tập trung vào nghiên cứu để phát triển cho tốt mà cứ phải là thủy điện?”.
Phá thì dễ, giữ mới khó
Bạn đọc N.O.P, tự giới thiệu là người dân xã Phước Cát 1, huyện Cát Tiên - Lâm Đồng, nhấn mạnh: “Tôi kịch liệt phản đối việc phá rừng xây thủy điện. Rồi đây, người dân Cát Tiên quê tôi sẽ sống ra sao khi mà nước lũ đầu nguồn xả xuống mỗi khi mùa mưa về? Ngay giờ đây, sông Đồng Nai đã dâng cao rồi, các xã thuộc Cát Tiên năm nào cũng có lũ cuốn. Các vị đừng vì lợi ích trước mắt mà không quan tâm đến cuộc sống của người dân”.
Trong khi đó, bạn đọc xưng là một người dân Đồng Nai thì lo ngại: “Phá rừng thì dễ nhưng trả lại tự nhiên cho thiên nhiên thì rất khó. Đập một ngôi nhà để xây lại còn dễ, phá hoại thiên nhiên thì có muốn sửa sai cũng không bao giờ được”.
|
Lê Hoàng
Theo www.nld.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét