Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Cuộc chơi không sòng phẳng (II)


Ông Phan Hữu Khánh, Phó Giám đốc vườn Quốc gia Cát Tiên phải thốt lên rằng lần đầu tiên ông học được cách lập luận, phá rừng nguyên sinh để trồng rừng mới tạo CO2. Phát triển các hồ chứa nước thủy điện để mở rộng cho cá sấu nước ngọt và tê giác một sừng...
Trước khi Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (Vacne) cho rằng hai dự án có ảnh hưởng tiêu cực nhưng không nghiêm trọng nhất định đến môi trường và vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên và dòng chảy sông Đồng Nai, đã có những dự cảm bất an về một cuộc chơi không sòng phẳng....
Muốn "ăn" rừng nguyên sinh cho bằng được!
Ngoài đại diện Vacne còn có các đại diện của Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Tổng cục Lâm nghiệp (đều thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) và đại diện hai tỉnh Bình Phước, ĐakNông, đều bênh vực chủ đầu tư với luận điểm quen thuộc: Làm lại đầy đủ bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Nhưng người viết này rất băn khoăn khi đại diện hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng (vốn có nhiều diện tích vườn Quốc gia Cát Tiên nhất) đã kiến nghị dừng thủy điện thì Bình Phước và Đak Nông lại không? Liệu nó có liên quan gì đến tốc độ phá rừng thuộc hàng... nhất nước của hai địa phương ủng hộ thủy điện này không?
Số liệu thống kê cho thấy trong 5 năm (2004- 2009), Đak Nông có hơn 1.765ha rừng bị "xơi tái". Bình Phước thậm chí còn nổi tiếng hơn, rừng bị phá vì một nhóm lợi ích mang tên... trang trại.
Các trang trại này "ngốn" rừng nhiều đến mức ông Trần Văn Mùi, Giám đốc khu Bảo tồn Thiên nhiên và di tích Đồng Nai phải bức xúc trên báo chí, khi ông cho rằng, bên này Đồng Nai ráng giữ rừng nhưng bên Bình Phước vẫn cứ nói rừng nghèo rồi cho chuyển đổi và người ta cứ phá rừng trồng cao su.
Người viết lại càng băn khoăn hơn nữa khi ông Trần Văn Thành, Giám đốc vườn Quốc gia Cát Tiên cho rằng, ông đã làm công tác bảo tồn 20 năm qua. Bao nhiêu năm làm Giám đốc vườn Quốc gia Cát Tiên, ông chưa được vinh dự tiếp một số nhà khoa học đến tham quan, nghiên cứu khu vực vườn Quốc gia Cát Tiên. Ấy vậy mà những nhà khoa học ấy lại phát biểu rất hùng hồn tại hội thảo như là mình đã biết rõ vùng đất này vậy.
Còn Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện phó Viện Sinh học nhiệt đới thì cho rằng với cách làm sai thì sửa, sửa đến chừng nào làm thủy điện trong vườn Quốc gia được mới thôi, là không sòng phẳng và công tâm.
Nếu ông Long, ông Thành nói đúng thì rừng Quốc gia Cát Tiên đang lâm nguy!
Rất không sòng phẳng!
Trước đó, công luận phát hiện bản ĐTM ban đầu của chủ đầu tư, tập đoàn Đức Long- Gia Lai đã bị phát hiện là bản sao chép ẩu. Sau đó, bản ĐTM này được bổ sung rồi gửi lên Bộ Tài nguyên- Môi trường (bản mới nhất) cũng bị các nhà khoa học phát hiện sự thiếu cẩn trọng.
Trong ngày 15.9.2011, một lãnh đạo Bộ NN-PTNT có đi thực tế nơi hai dự án thủy điện nói trên dự kiến triển khai nhưng theo các nhà khoa học, chuyến đi kiểu như vậy mang nặng tính "cưỡi ngựa xem hoa".
Ông Lâm Đình Uy, chuyên gia của Trung tâm Đa dạng sinh học và phát triển cho biết, nếu đi chỉ để ngắm mà ít nghiên cứu cộng thêm thể lực tốt, quen đi rừng và trời không mưa trong nhiều ngày trước thì mới có thể đi đến vị trí hai dự án thủy điện trong 2 ngày.
Tôi đồ rằng ông Hứa Đức Nhị và một số nhà khoa học, quản lý ủng hộ việc xây dựng thủy điện trong rừng Quốc gia không đi thực tế kiểu này...
Từ vị trí dự án thủy điện Đồng Nai 6 đến vi trí dự án thủy điện Đồng Nai 6A là khá xa và cực kỳ khó đi. Mật độ rừng hai nơi này cũng khác xa nhau, bởi rừng ở khu vực vị trí dự án Đồng Nai 6A vẫn là rừng nguyên sinh nguyên vẹn.
Để đến được khu vực thủy điện Đồng Nai 6A, có nhiều đoạn xe máy và xe hơi không thể "bò" được, còn người đi thì phải "bò" theo đúng nghĩa ở các con dốc đứng. Muốn vượt suối vào mùa mưa, người ta phải chăng dây thừng, đội đồ đạc lên đầu rồi bám dây men qua. Kiểu đi rừng thực tế này ở Cát Tiên không biết vị lãnh đạo nọ đã trải qua chưa. Nếu có, tại sao vẫn còn đó quan điểm ủng hộ thủy điện phá rừng nguyên sinh?
Tại Hội thảo Quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn và lưu vực sông Đồng Nai - trường hợp thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A (ngày 7.8.2011) tại vườn Quốc gia Cát Tiên, ông Vũ Ngọc Long nói thẳng, ông sẵn sàng chỉ ra các thiếu sót, sai lầm theo từng trang từng dòng của bản báo cáo.
Theo ông Long, không thể trình lên Chính phủ, lên Thủ tướng một văn bản như vậy được.
"Chúng ta cần có những ứng xử văn minh để đánh giá công tâm, hiệu quả về dự án vì đời sống người dân tộc và người dân hạ nguồn, vì con cháu chúng ta, cũng như những sinh vật trong rừng và bản thân rừng Cát Tiên".
Một trong bảy khuyến nghị của Ủy ban thế giới về đập, chính là phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến người dân. Người dân tại khu vực dự kiến xây thủy điện Đồng Nai 6, 6A nói riêng và người dân trong lưu vực ảnh hưởng bởi thủy điện trên sông Đồng Nai nói chung làm sao cảm thấy công bằng, cảm thấy họ mới là người chủ, khi các công bộc của dân đã chọn nhóm lợi ích thay vì lợi ích cộng đồng?
"Nghe rất hay nhưng không nên... thuộc bài này"
Sau khi xem xong các bản tham luận lẫn bản kết luận của Vacne, ông Phan Hữu Khánh, Phó Giám đốc vườn Quốc gia Cát Tiên phải thốt lên rằng lần đầu tiên ông học được cách lập luận phá rừng nguyên sinh để trồng rừng mới tạo CO2. Phát triển các hồ chứa nước thủy điện để mở rộng cho cá sấu nước ngọt và tê giác một sừng, khuyến khích phát triển thủy điện "đánh đổ" môi trường ở khu vực vườn Quốc gia Cát Tiên. Tuy nhiên, ông kết luận: "Nghe rất hay nhưng cũng rất không nên... thuộc bài này!"
Ủng hộ xây đập là ủng hộ việc phá hủy môi trường thiên nhiên, đi ngược lại bản chất của phát triển bền vững.
Ông Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) thì tự hỏi mình, trong cuộc chiến bảo vệ thiên nhiên này, ngoài bọn lâm tặc còn những kẻ "trí tặc" nào khác không?
Còn theo ông Vũ Ngọc Long, Vacne ủng hộ xây đập là ủng hộ việc phá hủy môi trường thiên nhiên, đi ngược lại bản chất của phát triển bền vững. Chia sẻ với người viết, ông Long cho biết trước ngày Vacne tổ chức hội thảo, ông quyết định không đến dự vì đã biết trước kịch bản mà người ta tính mời ông ngồi vào cho... có tụ.
Một vị cho biết họ sẽ đưa ra các luận cứ khoa học, chứng minh đầy đủ rằng hai khu vực dự kiến làm thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có rất nhiều loài đặc hữu, loài có trong sách đỏ và các giá trị bảo tồn khác. Và họ sẽ không làm theo kiểu phát biểu cái mình không biết gì, để phải... "bán danh ba đồng"!"
Không biết bạn đọc nghĩ sao nhưng người viết thì tin những người làm khoa học có thực tế khảo sát hơn là các vị ngồi bàn giấy!
Và rất quan ngại về cái gọi là "trí tặc" như tiến sĩ Lê Anh Tuấn đề cập...
Mai Quốc Ấn
theo tuanvietnam.vietnamnet.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét