Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Ký ức loài tê giác


- Kỳ 1: Từng chung sống hiền hòa
TT - Ngày 25-10, Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WWF) công bố tin chấn động: loài tê giác một sừng cuối cùng ở VN đã vĩnh viễn biến mất. Đây là thông tin gây “sốc” cho tất cả những ai từng tự hào về tài nguyên thiên nhiên phong phú của VN.
Điều gì đã xảy ra dưới tán rừng bao đời nay từng là ngôi nhà yên bình cho loài thú quý hiếm này? Và liệu sau loài tê giác thì hiểm họa sẽ còn giáng xuống loài thú quý hiếm nào của VN?

Cho đến giờ phút này, những già làng người dân tộc S’tiêng ở thôn 3, 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng vẫn nhớ rõ những câu chuyện về loài tê giác một sừng vừa biến mất tại VN.
Con tê giác một sừng được chụp bằng bẫy ảnh ở vườn quốc gia Cát Tiên năm 1999 - Ảnh tư liệu
Già Điểu K’Nưa ở thôn 3 kể: “Từ nhỏ mình đã gặp tê giác trong rừng rồi, không nhớ hết mấy lần đâu, nhiều lắm, như cái tuổi của mình cũng không nhớ chính xác được, hình như đã 80 hay 83 tuổi gì đó”. Thế nhưng ông lại nhớ như in lần cùng cả làng đi xem tê giác đẻ.
“Tổ ấm” ở Bàu Chim
“Ấy là năm 1998, khi mới xong mùa bắp, mình nghe có tê giác về đẻ ở Bàu Chim thế là cùng người trong làng chạy ra trèo lên cây xem. Tê giác con nhìn giống như chú heo ăn nhiều béo tốt ở nhà mình. Nó kêu héc héc, rúc rúc vào bụng của mẹ nó bú. Mình với lũ làng coi chán rồi rủ nhau về...”, K’Nưa kể lại.
Lần ấy, già Điểu K’Giang gần nhà K’Nưa, nay đã 73 tuổi, cũng cùng người làng đi xem tê giác đẻ tại Bàu Chim. Khu vực Bàu Chim nằm giữa hai quả đồi, cách rẫy của nhà K’Giang không xa. Tối đó K’Giang nghe tiếng kêu khè khè rồi tiếng chân giậm đất bình bịch, ông biết ngay là tê giác về Bàu Chim. Bàu Chim là nơi có dòng nước khoáng nên tê giác thường kéo về đây uống nước. Cũng như mọi khi, K’Giang nghĩ tê giác về uống nước nhưng “sáng ra xem thì thấy có một con tê giác con là biết đêm qua nó đẻ rồi”.
Đã thấy tê giác nhiều lần nhưng chưa khi nào được xem tê giác con mới đẻ nên K’Giang chạy về kêu người làng ra xem. “Mình trèo lên cây chỉ cách xa chỗ tê giác đẻ chừng 50m à”, K’Giang nói rồi kể tiếp khu vực tê giác đẻ nằm ngay gần mép nước của Bàu. Xung quanh cây cối và cỏ được tê giác mẹ giẫm đạp bẹp xuống tạo thành một cái ổ êm cho tê giác con nằm. Cái ổ ấy rất sạch.
Thấy mọi người đến xem, tê giác mẹ chỉ kêu heng héc. Mấy ngày sau thì tê giác mẹ dẫn con vào rừng. “Mình đi theo dấu chân xem mẹ con tê giác đi đâu nhưng chỉ thấy dấu chân to bè của tê giác mẹ. Mình nghĩ tê giác con đã chết hay bị lạc rồi nên buồn lắm”, già K’Giang vừa đeo gùi trên vai lững thững đi, vừa kể như chuyện mới xảy ra hôm qua.
Đem điều này hỏi ông Phạm Hữu Khánh, phó giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên, người đã có hơn 10 năm cùng các chuyên gia nước ngoài và các giáo sư trong nước điều tra nghiên cứu tê giác Java tại khu rừng Cát Lộc, ông cười: “Đó là bà con dân tộc không biết.
Tê giác một sừng có thói quen sinh tồn là khi đi trong rừng, tê giác con luôn đi trước còn mẹ ở phía sau. Đi đến đâu, tê giác mẹ lại xóa dấu chân tê giác con đi”. Nhiều nhà khoa học phỏng đoán rằng tê giác mẹ làm vậy cũng là để xóa dấu vết của con lưu lại trên đường, tránh các loại thú ăn thịt khác theo dõi.
Khi rừng thay đổi
Bà con dân tộc S’Tiêng và Châu Mạ ở thôn 3, thôn 4 xã Phước Cát 2 là những cư dân sống lâu đời tại vùng rừng Cát Lộc thuộc vườn quốc gia Cát Tiên này. Mọi người già trong làng đều cho hay trước đây rất thường gặp tê giác đi kiếm ăn. Già K’Nưa nhớ lại: “Hồi nhỏ mình đã nghe bố mẹ kể lại rồi. Ông bà mình, tới bố mẹ mình nói đi rừng là gặp tê giác. Bố mẹ mình không biết đó là tê giác đâu chỉ biết nó là con thú lớn, dặn con cháu đi rừng thấy nó đi đường này là phải tránh đường khác mà đi. Sau này mình cũng dặn con cháu như thế”.
Những già làng cho rằng ngày trước con người và tê giác cùng sống hiền hòa dưới một tán rừng. Thế nhưng từ ngày bị con người lùng sục, săn bắn, tê giác dần trở nên hung dữ. Bà Điểu K’Níc ở thôn 3 kể một lần đi rẫy đã bị tê giác tấn công.
Cũng may cho bà, lần đó K’Giang ở ngay cạnh nên chạy ra xua đuổi con tê giác đen trùi trũi. Nó không đi mà tiếp tục ào tới tấn công K’Giang. K’Giang đành bỏ chạy thục mạng, chạy vòng quanh các gốc cây rừng để tránh đường thẳng. Rồi K’Giang vấp ngã, cái xà gạc (một loại dao đi rừng của bà con dân tộc) vác trên vai vướng cây lồ ô quật xuống, chém phập vào bàn tay K’Giang. “Cũng may con tê giác không tiếp tục đuổi theo nên tôi thoát chết”, đưa bàn tay còn nguyên vết sẹo K’Giang kể.
Thế rồi tê giác ngày càng ít xuất hiện hơn. Những nhà khoa học trong và ngoài nước cũng như hơn 100 cán bộ kiểm lâm vườn quốc gia Cát Tiên sau hàng chục năm nghiên cứu, lội rừng cũng chỉ có vài người được tận mắt nhìn thấy tê giác tại vườn quốc gia Cát Tiên. Anh Phạm Quốc Vinh, 33 tuổi, cán bộ kiểm lâm vườn quốc gia Cát Tiên, là một người trong số tận mắt nhìn thấy tê giác.
Anh Vinh thấy được tê giác trong một chuyến đi rừng để điều tra và giám sát tê giác vào cuối tháng 11-2006 tại khu đồi Đình Rách thuộc thôn 3, xã Phước Cát 2. Nhóm có bốn người gồm anh Nguyễn Văn Thanh (trưởng phòng khoa học hợp tác quốc tế, thuộc vườn quốc gia Cát Tiên, sau này về làm cán bộ Ban kinh tế, nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng), anh Phạm Quốc Vinh cùng một kiểm lâm viên và một người dân tộc dẫn đường.
Anh Vinh kể lại lúc đó khoảng 1g30 mọi người vừa ăn cơm xong và đang nằm nghỉ thì nghe tiếng thở khì khì. Anh em bảo nhau khom người đi khẽ và chợt thấy một con tê giác lừng lững nặng hơn 1 tấn lấp ló đang ăn cách đó hơn 10m. “Anh Thanh lấy máy quay phim trong giỏ ra, hồi hộp đến run tay khi đưa máy lên bấm. Chúng tôi mừng mà run lập cập, nín không dám thở. Quay phim được chừng 5 phút thì bị con tê giác phát hiện và bỏ chạy. Tiếng chân nó giẫm lên tre nứa gãy rôm rốp, ầm ầm như xe tăng đi trong rừng”, anh Vinh thuật lại.
Hơn tám năm làm kiểm lâm đóng tại trạm Phước Sơn, anh Vinh đã ba lần giáp mặt với tê giác. Anh Vinh kể một thói quen khá lạ của tê giác: chúng bới đất chôn phân như loài mèo hoặc đá văng tung tóe chứ ít khi để nguyên đống.
Anh Vinh mô tả: phân tê giác thường còn nguyên những đoạn cây lá rừng, lổn nhổn, dài hơn đốt ngón tay trông như xác bã trà. Khi khô, chúng khá thơm mùi thuốc bắc. Cũng chính vì điều này mà không ít người đồn thổi rồi lén lút hốt về xào xáo lên phơi khô và ngâm rượu uống. Ấy mới chỉ là phân, chưa nói đến chiếc sừng mà dân gian đồn thổi như “thuốc tiên” khiến loài tê giác trở thành nạn nhân của chính sự quý hiếm người ta dành cho chúng...
ĐỨC TUYÊN
__________________
Từ những năm 1960, đã một lần người ta tưởng tê giác biến mất. Rồi năm 1999, những tấm hình thu được từ bẫy ảnh ở vườn quốc gia Cát Tiên đã thổi bùng lên hi vọng, nhưng một thập kỷ sau lại là thông tin diệt vong. Điều gì đã diễn ra?
Kỳ tới:  Từ dấu chân đến hình ảnh

"Trâu một sừng" ơi!

Nỗi buồn… tê giác

"Tê giác là loài quý hiếm và lận đận về đường giống nòi nhất. Là linh hồn của rừng già Cát Tiên, nay con trâu một sừng không còn nữa, anh em chúng tôi đau và rừng già cũng đau. Từ đây vĩnh viễn mất đi 1 thực thể giống loài, hỏi sao rừng không rưng rưng nước mắt", ông Nguyễn Văn Minh, Hạt phó thường trực Hạt Kiểm lâm Cát Tiên, ngậm ngùi.

Khoảng 1 tháng trước thời điểm Quỹ quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Quỹ Bảo tồn quốc tế tê giác (IRF) khẳng định loài tê giác Java một sừng tại Việt Nam đã tuyệt chủng, chúng tôi có chuyến điền dã tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

Còn nhớ lúc trò chuyện, ông Nguyễn Văn Minh, Hạt phó thường trực Hạt Kiểm lâm Cát Tiên, lạc quan bật mí quần thể tê giác ở Cát Tiên "còn từ 2-4 cá thể". Nên khi  WWF và IRF công bố hung tin, chúng tôi hết sức bất ngờ. Gọi điện thoại sẻ chia tin này với ông Minh, thật đau lòng khi nhận được tiếng thở dài ở bên kia đầu dây của con người rất tâm huyết trong việc giữ rừng, giữ thú. Và sâu trong đại ngàn Cát Tiên, trong những ngôi nhà sàn truyền thống, khi biết được tin này, những già làng người Châu Mạ, S'tiêng…  cũng lặng người, đau xót.

Lần trở lại VQG Cát Tiên lần này của chúng tôi không được vui như lần trước. Có lẽ bởi hung tin về sự vắng bóng vĩnh viễn của loài tê giác một sừng bao trùm khắp núi rừng Cát Tiên. "Người Mạ và S’tiêng ở núi rừng nơi này gọi tê giác Java là "trâu một sừng" - Hạt phó thường trực Nguyễn Văn Minh, trầm giọng: "Rừng Cát Tiên có nhiều loài thú quý hiếm có số phận mong manh trước họng súng tàn bạo của phường săn như bò tót, voi châu Á, voọc chân đen, báo hoa mai, cá sấu Xiêm… Nhưng tê giác là loài quý hiếm và lận đận về đường giống nòi nhất. Là linh hồn của rừng già Cát Tiên, nay con trâu một sừng không còn nữa, anh em chúng tôi đau và rừng già cũng đau. Từ đây vĩnh viễn mất đi 1 thực thể giống loài, hỏi sao rừng không rưng rưng nước mắt".

Theo Sách đỏ Việt Nam, tê giác Java còn được gọi là tê giác 1 sừng. Loài này từng phân bố rộng ở toàn khu vực Đông Nam Á, cả Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt nhiều ở các đảo của Indonesia. Do bị sát hại bừa bãi để lấy sừng nên sau hung tin tuyệt chủng ở Việt Nam, hiện nay chỉ còn một quần thể tê giác 1 sừng khoảng 40 con sống ở Vườn quốc gia Ujung Kulo trên đảo Java ở Indonesia. "Tê giác to lớn, khỏe mạnh là vậy nhưng điều đó không giúp chúng thoát khỏi họng súng của con người" - anh Đỗ Văn Thao, cán bộ pháp chế Hạt Kiểm lâm Cát Tiên, trăn trở: "Trong tự nhiên, nếu như các loài khác đều có thiên địch, ví như chuột là thức ăn của rắn, rắn là món khoái khẩu của chim bìm bịp… thì tê giác chẳng có "đối thủ" đáng gờm nào, ngoài con người. Người ta tin sừng tê giác là thần dược dùng để hút nọc rắn, giải độc, chữa nhiều chứng bệnh ung thư, giúp cải lão hoàn đồng… và niềm tin này đã đẩy giá sừng tê giác lên đến tiền tỷ. Sát hại 1 con tê giác cắt lấy sừng, lột lấy da bán được số tiền khổng lồ nên cánh thợ săn không từ bất kỳ thủ đoạn nào để giương nòng khạc đạn săn con thú "quý tộc" này".

Chính chiếc sừng đã khiến loài tê giác bị sát hại vô tội vạ

Vườn quốc gia Nam Cát Tiên có tổng diện tích lên đến 71.350ha, tiếp giáp với 38 xã và 18 vạn dân sinh sống nhưng số nhân viên kiểm lâm trực tiếp bảo vệ rừng chưa đến 130 người… Địa bàn quá rộng, người sống ở vùng lõi, vùng đệm, sống phụ thuộc vào rừng quá "hùng hậu" mà quân số kiểm lâm lại quá mỏng nên dù tận tâm tận lực đến mấy thì những người bảo vệ rừng không thể nào quản lý nổi rừng.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bình, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Cát Tiên không ngần ngại thổ lộ rằng VQG Cát Tiên có tỉ lệ người dân xâm nhập trái phép phá rừng và săn thú "chiếm ngôi quán quân" trong hệ thống vườn quốc gia của cả nước. Khi chúng tôi đề cập đến giải pháp cứu rừng bằng việc di dời dân ra khỏi vùng lõi, vùng đệm thì ông Bình cho biết, lãnh đạo vườn đã nhiều lần kiến nghị nhưng… Chợt nghĩ nếu như kiến nghị "cách ly" của VQG Cát Tiên được quan tâm, sớm triển khai thì biết đâu loài tê giác đã được cứu, đã thoát khỏi cái cảnh bị tuyên bố tuyệt chủng như hôm nay.

Rời vườn quốc gia Cát Tiên với nỗi buồn trĩu nặng, chúng tôi đến thăm lại xã Tà Lài, thăm lại già làng K'Cân. Lần ghé thăm trước,  nói chuyện về con trâu 1 sừng, già K'Cân, người từng được phong danh hiệu dũng sĩ bắn máy bay vào năm 1973, dù tuổi đời xấp xỉ 80, nhưng rất minh mẫn, vô cùng hào hứng. Lần đó già kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện lý thú về con trâu một sừng, như chuyện nó to lớn nhưng chưa từng hại ai, buôn làng từ muôn đời qua chưa có ai chết do bị con trâu 1 sừng gây án.

"Nó to lớn, cọp cũng không dám tấn công. Nhưng nó nhát lắm, hiền lắm" - già K'Cân, trò chuyện: "Hồi còn nhỏ, nghe ông cha bà mẹ kể rừng có nhiều trâu một sừng. Thịt trâu một sừng không ngon, khi bị dồn vào chỗ chết nó rất hung dữ nên dân làng không săn bắt, sát hại nó. Ngửi mùi người là nó bỏ chạy thật xa, nó lủi vào bụi. Hồi trước năm 1960 rừng cũng còn nhiều trâu một sừng, đi rừng mình và dân làng thường hay gặp. Sau đó thì ít thấy dần do rừng và trâu một sừng bị bom đạn chiến tranh làm hại, sau đó đến lượt con người săn nó lấy sừng". 

Lần trở lại hôm nay, nghe thông tin "trâu một sừng" giờ chỉ còn là chuyện quá vãng, già K'Cân trầm ngâm. Giọng nói sang sảng của ông lần trước nay khàn đục: "Không còn nữa, nó chết hết rồi, rừng không còn trâu một sừng nữa rồi". Già K'Cân cứ lặp đi lặp lại câu nói ấy trong tiếng thở dài. Rồi già bước ra ngôi nhà sàn truyền thống, hướng ánh mắt, chỉ tay về phía ngọn núi trước mặt từng một thời in dấu trâu một sừng, nói: "Ngày trước nó hay về đây kiếm thức ăn. Lúc ngồi bên bếp lửa, người già hay kể cho con cháu nghe chuyện con thú ở rừng. Mai này tau chết đi, có còn ai biết, ai kể chuyện trâu một sừng cho bọn nhỏ được nghe, được biết!".

Chúng tôi rời xã Tà Lài, rời Vườn quốc gia Cát Tiên, khi nắng chiều dần tắt. Đêm nay chẳng rõ trong giấc ngủ giữa rừng, liệu già làng K'Cân và những người giữ rừng ở Hạt Kiểm lâm Cát Tiên có gặp lại dáng hình của những con trâu một sừng ngày nào, để nghe chúng kể về nỗi đau bị tuyệt chủng oan vì chiếc sừng tai hại.



Hành trình tuyệt chủng của tê giác 1 sừng ở Vườn quốc gia Cát Tiên
Năm 1984, tại thượng nguồn suối Jung Bo ở xã Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, người ta phát hiện xác một con tê giác bị sát hại. 5 năm sau, tại huyện Bù Đăng (tỉnh Sông Bé cũ, nay thuộc địa phận tỉnh Bình Phước), họng súng tàn nhẫn của cánh phường săn lại khiến con "trâu một sừng" gục ngã…
Năm 1998, những tấm ảnh chụp được về 1 con tê giác nhờ kỹ thuật "bẫy ảnh" của các chuyên gia quốc tế tại Khu bảo tồn tê giác Cát Lộc (nay thuộc VQG Cát Tiên) đã mở ra nhiều hy vọng cho số phận của loài thú tưởng đã tuyệt chủng này. Đến tháng 4/2010, tại xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, xác một con tê giác bị cắt mất sừng lại được phát hiện. Qua nghiên cứu, các chuyên gia khẳng định đấy là con tê giác cuối cùng ở ViệtNam.

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

“Săn” đầu bò tót và không chỉ bò tót...



Ngày 28.10, ông Trần Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng - thông tin cho Lao Động: Một tổ chức xã hội của tỉnh vừa có văn bản nêu kiến nghị kiểm lâm “cho lại” một cái đầu bò tót bị tịch thu hơn một năm trước với lý do đây là mẫu vật được trưng bày từ trước... năm 1975.
Theo ông Bình, đó chỉ là một trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mẫu vật đầu bò tót (và cả trâu rừng) đang nằm rải rác trong các ngôi nhà tư nhân, các nhà hàng sang trọng, các điểm du lịch...

Tận diệt bò tót


Đúng vào thời điểm này năm ngoái, lực lượng kiểm lâm Lâm Đồng dưới sự trợ giúp của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WCS) đã đồng loạt ra quân đánh úp hàng chục nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn Lâm Đồng. Chỉ ở 5 nhà hàng “mạnh” và chỉ trong một ngày, kiểm lâm đã thu giữ gần 400kg thịt thú rừng và 66 cá thể động vật rừng còn sống, trong đó có nhiều loài được xếp vào sách Đỏ VN.
Một trong 100 con bò tót ở VQG Cát Tiên (ảnh nhỏ).
Một trong 100 con bò tót ở VQG Cát Tiên.
Tình trạng xâm hại rừng ở Lâm Đồng còn tiếp tục diễn ra thì quần thể động vật hoang dã ở đây còn tiếp tục bị đe doạ.       (Ảnh do VQG Cát Tiên cung cấp)
Tình trạng xâm hại rừng ở Lâm Đồng còn tiếp tục diễn ra thì quần thể động vật hoang dã ở đây còn tiếp tục bị đe doạ. (Ảnh do VQG Cát Tiên cung cấp)
Ông Trần Thanh Bình kể: “Hồi tôi còn làm ở Hạt kiểm lâm Bảo Lâm (hạt trưởng – PV), anh em kiểm lâm chúng tôi cũng đã từng bắt được một vụ săn bò tót. Điều đáng nói là nếu anh em không cảnh giác thì kẻ gian đã dễ dàng qua mặt...”. Theo lời kể của ông Bình thì lúc đó, trong một đợt đi tuần tra, mấy anh em kiểm lâm của hạt phát hiện một người mang một bao tải thịt trên đường ra chợ. Bị chặn lại hỏi, người đàn ông đó khai rằng đây là thịt bò (bò nhà) vừa xẻ mang đi bán.

Sinh nghi, nên nhân viên kiểm lâm đã mời người này về trụ sở hạt kiểm lâm để làm rõ. Tại đây, người đàn ông khai nhận rằng đó là “con bò nhà” bắn được trong rừng nên xẻ thịt mang ra chợ bán. Truy đến tận nơi, lực lượng kiểm lâm xác định đó là một con bò tót vừa bị sát hại còn cả da, xương, đầu, sừng, chân...

Hoặc như vụ gần đây: Tại vùng rừng thuộc xã Đạ Chair (huyện Lạc Dương), lúc trời nhá nhem tối, lực lượng kiểm lâm của VQG Bidoup Núi Bà trên đường đi tuần đã phát hiện hai đối tượng lén lút mang vác vật nặng đi xuyên rừng từ hướng Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) về Lâm Đồng. Khi kiểm tra “đồ mang vác”, lực lượng kiểm lâm của vườn đã quá bất ngờ vì đó là một chiếc đầu bò tót cùng với bộ da, thịt... còn tươi rói máu. Kết quả kiểm định của Viện Sinh học Tây Nguyên cho thấy đó là mẫu vật của một con bò tót có trọng lượng gần 1 tấn vừa bị sát hại.

Không chỉ tê giác hay bò tót...


Ông Trần Văn Thành – GĐ VQG Cát Tiên – bức xúc: “Cứ như theo WWF nói thì con tê giác cuối cùng của vườn đã ra đi. Nhưng, điều đáng quan tâm là vườn hiện còn đến khoảng 40 loài có tên trong sách Đỏ, trong đó có bò tót, cần được bảo vệ. Quần thể bò tót của vườn còn khoảng 100 con và tuy có dấu hiệu khả quan về sinh sản nhưng nếu cứ kiểu quản lý như thế này, kiểu săn bắn như thế này, kiểu “săn đầu bò tót”... như thế này thì không chỉ tê giác vĩnh viễn ra đi mà còn nhiều loài động vật hoang dã khác sẽ có kết cục bi thảm như tê giác”.
Nghiên cứu mẫu vật bò tót.
Nghiên cứu mẫu vật bò tót.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng Trần Thanh Bình cho biết: “Trước đây, bò tót có mặt ở hầu khắp vùng rừng Lâm Đồng, hơn thế là cả Tây Nguyên. Nhưng nay thì quần thể này đã bị thu hẹp một cách đáng kể. Trước, chỉ thỉnh thoảng vài ba tháng, dân lâm nghiệp lại nghe tin ở buôn này làng kia vừa săn được một con min (tên gọi khác của bò tót), hoặc một con mang, con hoẵng... Giờ thì “vắng” hơn.

Vắng không chỉ nhờ chúng ta tăng cường quản lý bảo vệ rừng mà còn lý do... loài thú này (và nhiều loài khác) sắp cạn kiệt rồi!”. Cùng với việc công bố tuyệt chủng loài tê giác một sừng ở VN, WWF còn nhắc lại lời cảnh báo: Quần thể bò tót trên thế giới nói chung và VN nói riêng đang đứng trước nguy cơ báo động cao về sự tuyệt chủng bởi nạn săn bắn và tình trạng thu hẹp môi trường sống của chúng.

Ở Lâm Đồng, đồng bào dân tộc Chu Ru huyện Đơn Dương gọi con bò tót là “kvay”, có nghĩa là “con vật to lớn và hung dữ của rừng”. To lớn là vậy (trên dưới một tấn), hung dữ là vậy (từng “húc đổ” một cán bộ kiểm lâm của VQG Cát Tiên hồi tháng 3 năm nay) nhưng bò tót ở Lâm Đồng (quần thể bò tót lớn nhất VN hiện nay, với 100 con ở VQG Cát Tiên và hơn 10 con ở VQG Bidoup Núi Bà) vẫn không thể thoát khỏi những họng súng và những chiếc thòng lọng (bẫy thú) của “kẻ đi săn”.    
Khắc Dũng

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Không nghe dân thì nghe ai?

Người dân Đồng Nai mong muốn giữ nguyên hiện trạng rừng!

SGTT.VN - UBND tỉnh Đồng Nai đã uỷ quyền cho sở Tài nguyên và môi trường tỉnh tổ chức hội thảo khoa học Đánh giá tác động tiêu cực của dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A đến kinh tế – xã hội tỉnh Đồng Nai, môi trường sinh thái của khu dự trữ sinh quyển trên địa bàn tỉnh và vùng hạ lưu sông Đồng Nai tại sở này hôm 26.10.2011. Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai đang tổng hợp ý kiến các nhà khoa học để trình UBND tỉnh Đồng Nai xem xét và có hướng kiến nghị lên Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị có cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Chánh, phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường Đồng Nai về vấn đề này.

Là người chủ trì hội thảo, ông đánh giá gì về các ý kiến của giới khoa học?

Chủ trương của tỉnh khi giao cho sở Tài nguyên và môi trường tổ chức hội thảo là lắng nghe ý kiến của những nhà khoa học có thực tế, am hiểu và gắn bó với rừng Cát Tiên, sông Đồng Nai. Chúng tôi còn phải lắng nghe các đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp như vườn quốc gia Cát Tiên, thuỷ điện Trị An và đặc biệt là uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, nơi đại diện cho cộng đồng cư dân bị ảnh hưởng.
Hội thảo xong chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến các nhà khoa học và trình lên tỉnh uỷ và UBND tỉnh để xem xét và kiến nghị các nơi cần thiết. Những ý kiến được sàng lọc phải là những ý kiến công tâm, khách quan, trên cơ sở bảo vệ môi trường và phát triển bền vững chứ không thể chấp nhận “đánh đổi” bằng mọi giá.
Phải giữ nguyên hiện trạng rừng!
Là mong muốn của người dân Đồng Nai được đại diện uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Đồng Nai đưa ra tại hội thảo khoa học nói trên. Ông Nguyễn Tất Độ, phó ban tổ chức tuyên giáo uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Đồng Nai cho biết: “Người dân tỉnh Đồng Nai đặc biệt lo lắng về việc hai dự án sẽ lấy đi diện tích rừng lớn, làm nguồn nước bị suy giảm, giao thông đường thuỷ ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng xâm nhập mặn tăng cao, đa dạng sinh học bị ảnh hưởng. Dân mong muốn và kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần phải giữ nguyên hiện trạng rừng như hiện nay”.

Ông đánh giá Đồng Nai ảnh hưởng ở mức nào khi là địa phương nằm ngay dưới thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, nếu hai dự án này được thông qua?

Nó sẽ tác động đến dòng chảy, chế độ thuỷ văn sông Đồng Nai, nhất là vùng hạ lưu dự án. Không chỉ Đồng Nai mà một số tỉnh vùng hạ lưu sông Đồng Nai sẽ bị ảnh hưởng đến hệ sinh thái, hiện trạng môi trường và đặt ra nhiều vấn đề như điều tiết lũ, đẩy mặn, bảo tồn đa dạng sinh học, canh tác nông nghiệp và đời sống cộng đồng dân cư, nhất là người dân bản địa như Châu Mạ, S’Tiêng, M’Nông là điều chúng tôi lo lắng nhất. Sông Đồng Nai, ngoài cung cấp nước cho tỉnh thì sông Đồng Nai còn cung cấp nước sinh hoạt cho TP.HCM. Nếu nguồn nước bị đe doạ thì sao?

Báo đài đã đưa khá nhiều, nhưng nổi bật nhất vẫn là việc bảo vệ đa dạng sinh học hệ sinh thái và các loài quý hiếm sẽ bị giảm sút ở vườn quốc gia Cát Tiên, khu bảo tồn tê giác, khu Bàu Sấu. Danh hiệu khu dự trữ sinh quyển vườn quốc gia Cát Tiên mà UNESCO công nhận năm 2001 có thể bị xem xét lại.

Kết thúc hội thảo, điều làm ông cảm thấy tâm đắc nhất là gì?

Những ảnh hưởng của thuỷ điện đối với Đồng Nai được nói rất rõ ràng. Chúng tôi tổ chức hội thảo trên cơ sở lắng nghe, tìm hiểu những điều ảnh hưởng đến người dân trên địa phương của mình mà. Không nghe dân thì nghe ai?

Thượng nguồn tỉnh Đồng Nai có Lâm Đồng, hạ nguồn có TP.HCM và cả hai địa phương này đều đã kiến nghị dừng thuỷ điện trên sông Đồng Nai. Ông đánh giá điều này ra sao?

Mỗi địa phương có nhận định về mức độ ảnh hưởng tác động của thuỷ điện khác nhau nhưng bản chất ảnh hưởng đó giống nhau. Theo tôi biết, UBND tỉnh cũng đã được sở Công thương Đồng Nai tham mưu và đã có văn bản đề nghị nên xem xét lại hai dự án này từ trước hội thảo lâu rồi.
MAI QUỐC ẤN

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Xây thủy điện, sẽ thêm thú quý tuyệt chủng


Các nhà khoa học quan ngại nhiều loài quý hiếm khác ở Vườn quốc gia Cát Tiên cũng bị tuyệt chủng như tê giác Java một sừng Việt Nam nếu hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A được triển khai.

Mặc dù hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A (ĐN 6, 6A) không nằm trên địa bàn nhưng tỉnh Đồng Nai lo ngại khi dự án triển khai sẽ tác động bất lợi đến môi trường, kinh tế-xã hội của địa phương. Hôm qua (25-10), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội thảo đánh giá tác động của hai dự án này đối với hạ lưu và tỉnh Đồng Nai.
Kiểu gì cũng tác động xấu
Ông Võ Văn Chánh, Phó Giám đốc Sở TN&MT, đặt vấn đề: “Trước thông tin trái chiều, gần như mâu thuẫn nhau về hai dự án này, chúng tôi mong muốn lắng nghe những đánh giá khách quan, công tâm, dựa trên quan điểm bảo vệ môi trường, tuân thủ nguyên tắc phát triển bền vững, không chấp nhận đánh đổi bằng mọi giá”.
Theo GS-TSKH Lê Huy Bá, trong giai đoạn xây dựng, việc sử dụng khối lượng lớn xe cơ giới, vật liệu nổ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh vật trên cạn, phá hủy thảm thực vật, thay đổi chế độ dòng chảy, làm thay đổi chất lượng nước sông, gây ô nhiễm, xói mòn bờ sông, từ đó tác động đến hệ thủy sinh. Giai đoạn đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn, nhất là vùng hạ lưu. Đó là làm thay đổi cảnh quan, cản trở sự di cư của thủy sinh, đặc biệt việc tích nước sẽ làm giảm lũ, gia tăng dòng kiệt và tác động lớn đến an ninh lương thực.
Nhiều nhà khoa học đã chỉ ra những tác động xấu trực tiếp, gián tiếp đến chất lượng nước, gây gia tăng xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, gia tăng lũ lụt… Tuy nhiên, điều các nhà khoa học quan ngại hơn cả là hai dự án thủy điện này nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.


Các nhà khoa học quan ngại VQG Cát Tiên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và đa dạng sinh học khi tiến hành xây các dự án thủy điện. Ảnh: TT
Ước tính hai dự án thủy điện trên sẽ làm ngập gần 281 ha đất rừng của VQG Cát Tiên, trong đó có 137 ha trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Theo ông Trần Văn Thành, Giám đốc VQG Cát Tiên, việc triển khai hai dự án này sẽ tác động gián tiếp đến quá trình hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững VQG Cát Tiên, làm ảnh hưởng đến quá trình UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới và thậm chí bị rút khỏi danh hiệu khu Ramsar, khu dự trữ sinh quyển mà thế giới công nhận.
“Đi theo” tê giác một sừng
TS Vũ Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học và Phát triển, cho biết trong một tuần khảo sát nhanh về tính đa dạng sinh học khu rừng Cát Lộc, nơi dự kiến xây dựng hai thủy điện trên, đã ghi nhận được sự đa dạng của các nhóm chim, hệ thú, thảm thực vật. Trong đó có nhiều loài thuộc nhóm quý hiếm trong sách đỏ như gà so cổ hung, gà tiền mặt đỏ, hồng hoàng (nhóm chim); vượn đen má vàng, chà vá chân đen (hệ thú)…
Ông Long cho hay tê giác Java một sừng ở VN đã tuyệt chủng là thông tin đau buồn nhưng đồng thời cũng là sự cảnh tỉnh. Bởi WWF đã nhận định mất sinh cảnh sống là yếu tố then chốt dẫn đến sự tuyệt chủng của tê giác Java tại VN; đồng thời cảnh báo việc thực thi pháp luật không thỏa đáng, quản lý thiếu hiệu quả, xâm lấn đất và xây dựng cơ sở hạ tầng bên trong hoặc gần các nơi được bảo vệ chỉ làm tăng thêm áp lực cho các quần thể loài vốn đã dễ bị tổn thương.
Đồng tình, GS-TSKH Lê Huy Bá nhận định trong khi trào lưu thế giới đang ngưng đầu tư thủy điện thì ta vẫn tiếp tục đầu tư dàn trải mà xem nhẹ những ảnh hưởng. Do vậy, cần nghiêm túc đánh giá lại tác động môi trường đối với dự án, trong đó phải thực hiện nghiêm túc rõ ràng từng tác động của hai dự án nhằm giải bài toán kinh tế, TN&MT một cách toàn diện.
Cuộc chiến giữa các nhà khoa học!
Ngày 6 và 7-8, Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật VN cùng Mạng lưới sông ngòi VN (VNR) đã khảo sát thực địa, tổ chức hội thảo quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn, đề cập sâu đến dự án thủy điện ĐN 6, 6A. Hội thảo thể hiện sự lo ngại về các hậu quả do hai dự án này gây ra nhưng báo cáo đánh giá tác động môi trường lại quá sơ sài… Sau đó, VNR kiến nghị Quốc hội, Chính phủ yêu cầu đánh giá lại toàn diện những tác động của hai dự án.
Không lâu sau, ngày 30-9, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN (VACNE) cũng tổ chức hội thảo về các vấn đề môi trường của hai dự án thủy điện này. Hội thảo kết thúc chóng vánh trong một buổi và phát văn bản cùng ngày, kiến nghị cho phép triển khai dự án ĐN 6, 6A. Trong văn bản, VACNE chỉ kiến nghị biện pháp kỹ thuật-pháp lý nhưng lại thiếu những kiến nghị nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên như tôn chỉ mục đích của tổ chức. Chủ VQG Cát Tiên khẳng định nhiều nhà khoa học tham dự hội thảo chưa từng đến vườn nhưng vẫn có những phát biểu hùng hồn!
Buổi hội thảo hôm qua không có những nhà khoa học “của VACNE” mà theo lý giải của cơ quan chủ trì là vì Đồng Nai nằm ở cuối nguồn, thật sự muốn biết người dân địa phương bị ảnh hưởng ra sao nên không cần những người nghiên cứu trên… giấy.
Hai dự án do một chủ đầu tư thực hiện, ở một vị trí cụ thể nhưng sự thật về ảnh hưởng của chúng dưới “con mắt khoa học” lại có sự khác biệt rất lớn. Vẫn biết rằng đã là khoa học thì khó có thể có kết quả duy nhất nhưng kết quả có sự khác biệt lớn, gần như đối nghịch nhau thì quả là khó hiểu.
Cuộc chiến với những thông tin trái chiều này đang khiến người dân hoang mang. Bởi lẽ dù không am hiểu, không đưa ra được những đánh giá khoa học như các chuyên gia nhưng họ có quyền đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền xem xét cẩn trọng, thấu đáo để có quyết định đúng đắn.
MINH PHONG
Cân nhắc xây thêm thủy điện trên lưu vực
Ngoài việc nêu ra những tác động tiêu cực, các ý kiến còn đề nghị làm rõ các dự án có phù hợp với pháp luật về tài nguyên nước, bảo vệ và phát triển rừng, đa dạng sinh học. Các đại biểu đề nghị Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh báo cáo, kiến nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc kỹ việc thực hiện quá nhiều dự án thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai, nhất là hai dự án ĐN 6, 6A vì xâm phạm diện tích VQG, nơi có nhiều loài sinh vật quý cần được bảo vệ.
Ông VÕ VĂN CHÁNHPhó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai
“Mong muốn giữ nguyên diện tích rừng”
Đó là kiến nghị của đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai. Theo đó, hai dự án thủy điện này có thể tham gia giảm lũ, giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương, giải quyết nhu cầu điện… nhưng cạnh đó, số diện tích rừng mất đi rất lớn, không chỉ dừng ở 137 ha như con số ban đầu. Việc phát triển lưới điện quốc gia là ưu tiên nhưng cần cân nhắc cái được cái mất.

Loài nào tiếp bước tê giác một sừng?


TT - Hơn 20 năm đeo đuổi việc bảo vệ tê giác một sừng cho VN, cuối cùng Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã phải cay đắng khi thông báo: "Tê giác đã tuyệt chủng ở VN".
Đó là một thông tin buồn đối với những người làm đa dạng sinh học, người yêu thế giới hoang dã. Đặc biệt với trẻ em Việt Nam, cơ hội nhìn thấy loài tê giác một sừng đặc hữu chỉ duy nhất có ở đất nước mình (Rhinoceros sondaicus annamiticus) giờ đây đã không còn.
Dĩ nhiên, buồn không phải vì cái sừng tê giác mà là sự tồn tại của một loài, điều kỳ diệu ấy nay đã không còn. Người dân, và báo chí VN, có lẽ không thể quên khoảnh khắc mùa hè năm 1998 khi tất thảy đều hân hoan với mấy bức ảnh hiếm hoi chụp được về tê giác một sừng còn lại ở nước mình, tại khu bảo tồn tê giác Cát Lộc (nay là vườn quốc gia Cát Tiên), nhờ kỹ thuật bẫy ảnh của các chuyên gia quốc tế thực hiện giúp.
Và từ đó, niềm tin về sự hiện diện của loài cổ động vật có vú hoang dã đặc biệt quý hiếm mang tên “tê giác” ở VN được vững chắc, và hi vọng các nỗ lực bảo tồn phát triển nó được tiếp sức nhiệt huyết hơn.
Hành trình chống chọi để tồn sinh của loài tê giác ở VN thật ngoan cường, vì nó là loài động vật mà con người có nhu cầu hạ sát rất lớn, bởi “huyền thoại” dược chất từ chính chiếc sừng của nó.
Năm 1932, con tê giác hai sừng (Rhinocerros sumatrensis) cuối cùng của VN bị bắn chết ở Lai Châu. Năm 1982, những con tê giác một sừng bị hạ sát ở Lộc Bắc (Lâm Đồng). Năm 1984, ở thượng nguồn suối Jung Bo (Cát Tiên, Lâm Đồng) xác con tê giác một sừng bị bắn được phát hiện. Năm 1988, một con lại bị hạ gục bên thượng nguồn sông Đồng Nai. Năm 1989, lại một con tê giác một sừng nữa đổ gục vì họng súng từ con người ở Bù Đăng (Sông Bé)...
Đó là những cái chết người ta nhìn thấy xác, còn bao cái chết nữa của loài cổ động vật này giữa rừng sâu thì chỉ cỏ cây mới biết. Nhưng nay, rõ cái chết vì súng đạn con người hồi cuối tháng 4-2010 của con tê giác một sừng cuối cùng của VN ở xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng đã khép lại “bộ phim” bi kịch loài tê giác ở VN.
Từ cái chết đến độ tuyệt chủng của tê giác một sừng đã cho thấy vườn quốc gia không hề còn là nơi an toàn cho động vật cần bảo tồn trên đất nước này. Hiện trạng đó khiến không thể không âu lo với câu hỏi: Sẽ đến lượt loài thú nào rơi vào tuyên bố “tuyệt chủng” nữa đây? Cọp, mang lớn, voọc chà vá, bò xám, voi, sói lửa, min, hay một ngày rồi đến cả con cheo, con dúi, con nhím...?!
Mất đi một loài có là chuyện “nhỏ” không, hay nó vén lên cho ta thấy những lỗ hổng, những yếu kém, chỉ rõ ra những bất lực không thể chối cãi trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên - những thứ của cải không thể dùng trình độ công nghệ cao và sự thông minh của con người để sinh ra. Quý như con tê giác một sừng, luôn có sự hỗ trợ tài lực, nhiệt huyết và động viên coi sóc từng ngày của quốc tế, mà cũng “kết thúc” trong nghiệt ngã đến thế.
Còn nhớ, nhà khoa học sinh thái đương đại lừng danh, giáo sư Bruno Streit - Viện Sinh thái tiến hóa và đa dạng thuộc Đại học Frankfurt (Đức), tác giả của 160 công bố khoa học về sinh thái - chẳng kiên trì nhắc nhở: “...Khi chúng ta không cố gắng thật sự để tạo nên một sự bền vững lâu dài dựa trên cơ sở của những nhận thức ngày nay và trong tương lai của chúng ta, thì ngay từ bây giờ chúng ta sẽ đánh mất sự đa dạng sinh học và cùng với nó hẳn cũng là chất lượng sống của những thế hệ trong tương lai”.
NGUYỄN HÀNG TÌNH

Không thể đánh đổi bằng mọi giá!


SGTT.VN - Sáng 26.10, sở Tài nguyên môi trường Đồng Nai đã tổ chức hội thảo khoa học đánh giá tác động tiêu cực của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đến kinh tế, xã hội Đồng Nai, môi trường sinh thái của khu dự trữ sinh quyển thế giới trên địa bàn tỉnh (rừng Nam Cát Tiên) và vùng hạ lưu sông Đồng Nai.

Hội thảo này diễn ra trong bối cảnh - theo chính quyền Đồng Nai - chủ đầu tư dự án là tập đoàn Đức Long - Gia Lai chưa bao giờ hỏi ý kiến của tỉnh Đồng Nai - đơn vị hạ nguồn chịu tác động trực tiếp nếu hai dự án này triển khai. Tỉnh ủy Đồng Nai, bằng văn bản, đã yêu cầu UBND tỉnh phải tổ chức hội thảo này để biết Đồng Nai bị tác động như thế nào nếu các dự án thủy điện trên được triển khai xây dựng...

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Văn Chánh, phó giám đốc sở Tài nguyên môi trường Đồng Nai, thẳng thắn rằng không thể đánh đổi bằng mọi giá để có các dự án thủy điện trên,
Các nhà khoa học tham dự hội thảo cũng nhất trí với ý kiến này.

Quá nhiều bất lợi

Vượn đen má vàng, một trong nhiều loài đặc hữu bị đe dọa nặng nề nếu thủy điện được xây. Ảnh: Q.Ấn
Sau khi đưa ra một loạt hệ lụy của thủy điện gây tác động xấu đến môi trường và các ý kiến nhấn mạnh đến việc “không nên đánh đổi” thủy điện mà lấy đi rừng nguyên sinh, ông Chánh kết luận: “Mặc dù dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhưng có thể thấy, khi triển khai thực hiện sẽ ảnh hưởng, tác động rất nhiều đến môi trường, kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.”

Đồng ý với ông Chánh, ông Trần Văn Thành, giám đốc vườn Quốc gia Cát Tiên nhấn mạnh: “Về mặt pháp lý, vườn quốc gia được khai sinh và có trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”. Theo ông Thành, với các thủy điện lớn như Đa Nhim, Đại Ninh đang hoạt động và một loạt thủy điện khác như Đồng Nai 3, 4, 6, 7,… mà có cái chỉ cách vườn quốc gia vỏn vẹn 1km. “Thủy điện Đồng Nai 5 lần lượt bị các ngân hàng Pháp, Nhật từ chối cho vay vốn sau khi xem xét kỹ các tác động đến rừng dù chúng không nằm trong rừng. Cát Tiên vốn nhạy cảm, cộng hưởng thêm tác động của dự án bauxite ở Tây Nguyên nữa thì các tác động đến rừng nguyên sinh là rất nguy hiểm”, ông Thành phân tích.


Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đồng Nai sẽ thống nhất đề xuất lên tỉnh ủy, UBND tỉnh để kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành có thẩm quyền xét duyệt phải xem xét kỹ lại dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Ông Nguyễn Minh Tâm, phó giám đốc khu bảo tồn Thiên nhiên và di tích Đồng Nai lo lắng về sự xuất hiện của hàng trăm công nhân trong vòng 2-5 năm nếu hai dự án thủy điện được phép triển khai tại Cát Tiên có thể dẫn đến các hệ lụy khác như săn bắn và khai thác lâm sản trái phép, ảnh hưởng môi trường sống của chim, thú, cây rừng. “Nông dân tại khu vực dự án trước hết sẽ mất đất nông nghiệp, người dân hạ lưu sẽ canh tác khó khăn do môi trường thay đổi. Lũ lụt và khô hạn cực đoan hơn, nguồn thủy sinh giảm mạnh… trong khi các đánh giá tác động môi trường lại thiếu thuyết phục”, ông Tâm nhận định.

Giáo sư tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá và phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, viện trưởng viện Môi trường và tài nguyên cùng đưa ra những luận cứ khoa học về sự ảnh hưởng của thủy điện đến nguồn nước. Những ví dụ sinh động về việc tháo dỡ đập tại các quốc gia khác trên thế giới do thủy điện tác động ngày càng lớn đến các dòng sông do ô nhiễm, nhiễm mặn, suy thoái dòng chảy vào mùa khô và lũ lụt mạnh hơn vào mùa mưa.

Nên dừng dự án!

Ai dám đảm bảo khi xây thủy điện xây xong thì đường vào công trình không phải là đường cho lâm tặc tuồn gỗ. Ảnh: Vũ Ngọc Long
Đó là ý kiến của tiến sĩ Vũ Ngọc Long, viện phó viện Sinh học nhiệt đới sau khi trình bày một loạt nghiên cứu sâu của mình về khu vực rừng Cát Tiên nói chung và khu vực dự kiến triển khai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nói riêng. “Thông tin đáng buồn là tê giác Java Việt Nam đã tuyệt chủng nhưng rừng Cát Tiên vẫn còn nhiều loài đặc hữu nằm trong sách đỏ cần được bảo vệ. Không thể lấy cớ tê giác chết để đẩy nhanh dự án thủy điện, trong khi tính bất ổn của nó đối với người, thú, cây, dòng chảy con sông là quá lớn”, ông Long lưu ý.

Ông Hoàng Văn Thống, chánh thanh tra sở Tài nguyên môi trường Đồng Nai nhận định: “Chúng ta mong Lào không xây thủy điện Xayaburi, chúng ta nhìn thấy sông Hồng khô cạn bị ảnh hưởng bởi các chế độ thủy văn bên ngoài như thế nào nên chúng ta không thể không bảo vệ con sông nội sinh duy nhất của mình - sông Đồng Nai.”

Ông Lâm Đình Uy, chuyên gia của trung tâm Đa dạng sinh học và phát triển nhấn mạnh: “Có người nói xây thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Đồng Nai, tôi cho rằng đó là lý thuyết suông. Ngoài lưu lượng nước còn có các yếu tố khác như nhiệt độ, thành phần nước nữa mà những điều này sẽ thay đổi khi có thủy điện”.

Sở Tài nguyên môi trường Đồng Nai kết luận rằng dự án ảnh hưởng lớn đến khu bảo tồn Thiên nhiên và di tích Đồng Nai, vườn Quốc gia Cát Tiên, nhiều mặt về môi sinh của các loài quý hiếm. Sự có mặt của thủy điện ảnh hưởng lớn đến uy tín của Việt Nam đối với công tác bảo vệ rừng, quá trình xét duyệt của UNESCO về việc công nhận vườn Quốc gia Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới. Đời sống người dân ở khu vực dự án thủy điện và dân cư hạ nguồn cũng sẽ bị ảnh hưởng trên nhiều mặt. Việc vi phạm luật Bảo vệ đa dạng sinh học và Trên cơ sở luận cứ khoa học các đại biểu đã đưa ra, sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đồng Nai sẽ thống nhất đề xuất lên tỉnh ủy, UBND tỉnh để kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành có thẩm quyền xét duyệt phải xem xét kỹ lại dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
MAI QUỐC ẤN (GHI)

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Vĩnh biệt tê giác một sừng


ThienNhien.Net – Tin buồn về sự ra đi vĩnh viễn của loài tê giác Java (Rhinoceros sondaicus annamiticus), hay còn gọi là tê giác một sừng, tại Việt Nam được Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) và Tổ chức Bảo tồn Tê giác Thế giới (IRF) khẳng định vừa mới đây.
Kết quả phân tích di truyền học 22 mẫu phân mà một nhóm khảo sát của WWF thu thập được tại Vườn Quốc gia Cát Tiên trong hai năm 2009 – 2010 cho thấy tất cả các mẫu phân này đều thuộc về một con tê giác được phát hiện chết trong Vườn Quốc gia vào tháng 4/2010, không lâu sau khi khảo sát hoàn thành.
Đồng thời, những phát hiện được trình bày trong báo cáo mới này của WWF cũng chỉ rõ nạn săn trộm có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của cá thể tê giác nói trên bởi khi tìm thấy, trong chân của nó đã bị găm một viên đạn và sừng tê giác đã “không cánh mà bay”.

Tê giác Java (Ảnh: Rastrup.wordpress.com)
Trước đó, năm 2004, nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Queen (Canada) đã tiến hành khảo sát và kết luận có ít nhất 2 cá thể tê giác đang sống ở Vườn Quốc gia Cát Tiên. “Tuy nhiên giờ đây, cá thể tê giác Java cuối cùng cũng đã tử vong. Thật đau buồn vì mặc dù đã đầu tư đáng kể cho các nỗ lực bảo tồn quần thể tê giác tại Việt Nam, song chúng ta vẫn không thể cứu được loài động vật quý hiếm này. Tê giác Java tuyệt chủng, Việt Nam nghiễm nhiên bị mất đi một phần di sản thiên nhiên của đất nước” – bà Trần Thị Minh Hiền, Giám đốc WWF Việt Nam, ngậm ngùi chia sẻ.
Loài tê giác này đã được cho là tuyệt chủng ở lục địa châu Á đến tận khi người ta săn được một cá thể tê giác trong khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên năm 1988, dẫn đến việc phát hiện ra một quần thể tê giác nhỏ. Từ sau đó, rất nhiều tổ chức đã tích cực tham gia bảo tồn quần thể tê giác cuối cùng còn sót lại, nhưng rốt cuộc, chính hoạt động bảo vệ kém hiệu quả của vườn đã trở thành nguyên nhân đẩy loài tê giác này tới bờ vực tuyệt chủng. Đây cũng là vấn đề chung ở hầu hết các khu bảo tồn tại Việt Nam, báo cáo nói trên của WWF nhận định.
Săn bắn bất hợp pháp để cung cấp cho buôn bán động vật hoang dã đã gây suy giảm nhiều loài Việt Nam, biến chúng trở thành các quần thể nhỏ và cô lập. Hổ, voi châu Á và các loài đặc hữu như sao la, voọc mũi hếch và cá sấu Xiêm cũng đang bị đẩy vào bờ vực tuyệt chủng ở trong nước.
Thừa nhận rằng mất môi trường sống là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng số phận của loài tê giác một sừng Java bị kết liễu tại Việt Nam, WWF cũng đồng thời cảnh báo rằng việc thực thi luật pháp chưa toàn diện và tình trạng quản lý các khu bảo tồn, kiểm soát các hành vi xâm phạm và phát triển cơ sở hạ tầng kém hiệu quả đang diễn ra bên trong và xung quanh các khu bảo tồn ở Việt Nam sẽ chỉ tăng thêm áp lực lên các quần thể loài dễ bị tổn thương.
Còn theo Nick Cox, Quản lý Chương trình Loài của WWF tại khu vực Tiểu vùng Mê Kông, thì: “Bi kịch của tê giác Java ở Việt Nam là dấu hiệu ảm đạm về cuộc khủng hoảng tuyệt chủng. Chỉ có bảo vệ nơi cư trú tự nhiên của các loài nguy cấp và ngăn chặn nạn săn trộm, buôn bán trái phép động vật hoang dã mới mong bảo tồn được chúng. Thời gian qua, những nỗ lực bảo tồn tê giác Java tại Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh để cứu loài ra khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Nếu tình trạng ấy vẫn cứ tiếp diễn thì rất có thể sẽ có thêm nhiều loài khác tuyệt chủng tại Việt Nam. Các khu bảo tồn của Việt Nam cần nhiều kiểm lâm hơn, được đào tạo, giám sát tốt hơn và có trách nhiệm hơn”.
Trong khi đó, “xét cả về mặt kinh tế hay trên phương diện thực tiễn, việc tái du nhập tê giác Java vào Việt Nam là không hề khả thi. Vì thế, chúng ta sẽ không còn cơ hội nhìn thấy tê giác Java trên dải đất hình chữ S” – Christy Williams, Điều phối viên Chương trình Voi và Tê giác Châu Á của WWF, nhận định.
Được biết, tê giác Java giờ chỉ còn một quần thể dưới 50 con đang sinh sống trong một vườn quốc gia nhỏ tại Indonesia. Chúng được liệt vào danh sách cực kỳ nguy cấp (CE) trong Sách đỏ. Với nhu cầu mua bán sừng tê giác làm thuốc không ngừng gia tăng ở châu Á, vấn đề bảo vệ và nhân rộng quần thể tê giác Java tại Indonesia chắc chắn phải trở thành ưu tiên hàng đầu nếu muốn ngăn chặn tình trạng tuyệt chủng của chúng trên phạm vi khu vực và thế giới.
Thiên Thiên (Theo WWF)