Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Không thể đánh đổi bằng mọi giá!


SGTT.VN - Sáng 26.10, sở Tài nguyên môi trường Đồng Nai đã tổ chức hội thảo khoa học đánh giá tác động tiêu cực của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đến kinh tế, xã hội Đồng Nai, môi trường sinh thái của khu dự trữ sinh quyển thế giới trên địa bàn tỉnh (rừng Nam Cát Tiên) và vùng hạ lưu sông Đồng Nai.

Hội thảo này diễn ra trong bối cảnh - theo chính quyền Đồng Nai - chủ đầu tư dự án là tập đoàn Đức Long - Gia Lai chưa bao giờ hỏi ý kiến của tỉnh Đồng Nai - đơn vị hạ nguồn chịu tác động trực tiếp nếu hai dự án này triển khai. Tỉnh ủy Đồng Nai, bằng văn bản, đã yêu cầu UBND tỉnh phải tổ chức hội thảo này để biết Đồng Nai bị tác động như thế nào nếu các dự án thủy điện trên được triển khai xây dựng...

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Văn Chánh, phó giám đốc sở Tài nguyên môi trường Đồng Nai, thẳng thắn rằng không thể đánh đổi bằng mọi giá để có các dự án thủy điện trên,
Các nhà khoa học tham dự hội thảo cũng nhất trí với ý kiến này.

Quá nhiều bất lợi

Vượn đen má vàng, một trong nhiều loài đặc hữu bị đe dọa nặng nề nếu thủy điện được xây. Ảnh: Q.Ấn
Sau khi đưa ra một loạt hệ lụy của thủy điện gây tác động xấu đến môi trường và các ý kiến nhấn mạnh đến việc “không nên đánh đổi” thủy điện mà lấy đi rừng nguyên sinh, ông Chánh kết luận: “Mặc dù dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhưng có thể thấy, khi triển khai thực hiện sẽ ảnh hưởng, tác động rất nhiều đến môi trường, kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.”

Đồng ý với ông Chánh, ông Trần Văn Thành, giám đốc vườn Quốc gia Cát Tiên nhấn mạnh: “Về mặt pháp lý, vườn quốc gia được khai sinh và có trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”. Theo ông Thành, với các thủy điện lớn như Đa Nhim, Đại Ninh đang hoạt động và một loạt thủy điện khác như Đồng Nai 3, 4, 6, 7,… mà có cái chỉ cách vườn quốc gia vỏn vẹn 1km. “Thủy điện Đồng Nai 5 lần lượt bị các ngân hàng Pháp, Nhật từ chối cho vay vốn sau khi xem xét kỹ các tác động đến rừng dù chúng không nằm trong rừng. Cát Tiên vốn nhạy cảm, cộng hưởng thêm tác động của dự án bauxite ở Tây Nguyên nữa thì các tác động đến rừng nguyên sinh là rất nguy hiểm”, ông Thành phân tích.


Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đồng Nai sẽ thống nhất đề xuất lên tỉnh ủy, UBND tỉnh để kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành có thẩm quyền xét duyệt phải xem xét kỹ lại dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Ông Nguyễn Minh Tâm, phó giám đốc khu bảo tồn Thiên nhiên và di tích Đồng Nai lo lắng về sự xuất hiện của hàng trăm công nhân trong vòng 2-5 năm nếu hai dự án thủy điện được phép triển khai tại Cát Tiên có thể dẫn đến các hệ lụy khác như săn bắn và khai thác lâm sản trái phép, ảnh hưởng môi trường sống của chim, thú, cây rừng. “Nông dân tại khu vực dự án trước hết sẽ mất đất nông nghiệp, người dân hạ lưu sẽ canh tác khó khăn do môi trường thay đổi. Lũ lụt và khô hạn cực đoan hơn, nguồn thủy sinh giảm mạnh… trong khi các đánh giá tác động môi trường lại thiếu thuyết phục”, ông Tâm nhận định.

Giáo sư tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá và phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, viện trưởng viện Môi trường và tài nguyên cùng đưa ra những luận cứ khoa học về sự ảnh hưởng của thủy điện đến nguồn nước. Những ví dụ sinh động về việc tháo dỡ đập tại các quốc gia khác trên thế giới do thủy điện tác động ngày càng lớn đến các dòng sông do ô nhiễm, nhiễm mặn, suy thoái dòng chảy vào mùa khô và lũ lụt mạnh hơn vào mùa mưa.

Nên dừng dự án!

Ai dám đảm bảo khi xây thủy điện xây xong thì đường vào công trình không phải là đường cho lâm tặc tuồn gỗ. Ảnh: Vũ Ngọc Long
Đó là ý kiến của tiến sĩ Vũ Ngọc Long, viện phó viện Sinh học nhiệt đới sau khi trình bày một loạt nghiên cứu sâu của mình về khu vực rừng Cát Tiên nói chung và khu vực dự kiến triển khai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nói riêng. “Thông tin đáng buồn là tê giác Java Việt Nam đã tuyệt chủng nhưng rừng Cát Tiên vẫn còn nhiều loài đặc hữu nằm trong sách đỏ cần được bảo vệ. Không thể lấy cớ tê giác chết để đẩy nhanh dự án thủy điện, trong khi tính bất ổn của nó đối với người, thú, cây, dòng chảy con sông là quá lớn”, ông Long lưu ý.

Ông Hoàng Văn Thống, chánh thanh tra sở Tài nguyên môi trường Đồng Nai nhận định: “Chúng ta mong Lào không xây thủy điện Xayaburi, chúng ta nhìn thấy sông Hồng khô cạn bị ảnh hưởng bởi các chế độ thủy văn bên ngoài như thế nào nên chúng ta không thể không bảo vệ con sông nội sinh duy nhất của mình - sông Đồng Nai.”

Ông Lâm Đình Uy, chuyên gia của trung tâm Đa dạng sinh học và phát triển nhấn mạnh: “Có người nói xây thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Đồng Nai, tôi cho rằng đó là lý thuyết suông. Ngoài lưu lượng nước còn có các yếu tố khác như nhiệt độ, thành phần nước nữa mà những điều này sẽ thay đổi khi có thủy điện”.

Sở Tài nguyên môi trường Đồng Nai kết luận rằng dự án ảnh hưởng lớn đến khu bảo tồn Thiên nhiên và di tích Đồng Nai, vườn Quốc gia Cát Tiên, nhiều mặt về môi sinh của các loài quý hiếm. Sự có mặt của thủy điện ảnh hưởng lớn đến uy tín của Việt Nam đối với công tác bảo vệ rừng, quá trình xét duyệt của UNESCO về việc công nhận vườn Quốc gia Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới. Đời sống người dân ở khu vực dự án thủy điện và dân cư hạ nguồn cũng sẽ bị ảnh hưởng trên nhiều mặt. Việc vi phạm luật Bảo vệ đa dạng sinh học và Trên cơ sở luận cứ khoa học các đại biểu đã đưa ra, sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đồng Nai sẽ thống nhất đề xuất lên tỉnh ủy, UBND tỉnh để kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành có thẩm quyền xét duyệt phải xem xét kỹ lại dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
MAI QUỐC ẤN (GHI)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét