Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

COI CHỪNG… “XÔI” HỎNG

Thuỷ điện Đồng nai 6 và 6A
Cố đấm ăn xôi, coi chừng... xôi lại hỏng (Nguồn www.sgtt.vn)

SGTT.VN - Dư luận từng nóng lên với thông tin hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A dự tính sẽ xoá sổ 370ha rừng vườn quốc gia Cát Tiên. Các nhà khoa học tâm huyết đã phải lặn lội đến đây nghiên cứu nhiều lần để ghi chép, phân tích, đánh giá và chỉ ra các tác hại của hai dự án trên với hy vọng cứu rừng nguyên sinh.
Các nhà khoa học từng đến Cát Tiên cho rằng với vô số loài thú có tên trong Sách đỏ, nhiều loài thực vật quý hiếm và nhiều loại gỗ quý, cổ thụ thì khu vực thi công thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A không thể gọi là rừng nghèo được. Ảnh: Quốc Ấn

Nhưng ngược lại, tại hội thảo do hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (Vacne) vừa tổ chức tại Hà Nội, các nhà khoa học thuộc Vacne lại cho rằng, hai dự án trên tuy có ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến môi trường và vườn quốc gia Cát Tiên và dòng chảy sông Đồng Nai, nhưng “không đến mức nghiêm trọng”. Thật ngạc nhiên khi những người “bảo vệ thiên nhiên và môi trường” lại bày tỏ ý kiến ủng hộ doanh nghiệp làm kinh tế xâm hại thiên nhiên và môi trường.

Nhầm vai?

Ngày 2.10, một số nhà khoa học đã trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị xung quanh vấn đề này. Chúng tôi xin trích đăng.

Ông Nguyễn Việt Dũng (phó giám đốc trung tâm Con người và thiên nhiên):
Trong khi vấn đề đánh giá tác động môi trường thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A vẫn còn nhiều tranh luận thì việc Vacne tổ chức hội thảo khoa học là cần thiết, và cũng cho thấy sự quan tâm lớn của các nhà khoa học, môi trường đối với tác động của thuỷ điện này. Tuy nhiên, việc phản biện đánh giá tác động của hai thuỷ điện này cần phải được xem xét nghiêm túc với đầy đủ luận cứ; mục đích của chúng ta không phải là ngăn chặn các nhà đầu tư triển khai dự án mà muốn đảm bảo họ phải tuân thủ pháp luật khi làm đánh giá tác động trên toàn diện môi trường, xã hội khi trình lên cơ quan chủ quản. Việc một hội nghị khoa học về môi trường chỉ diễn ra trong vòng một buổi sáng rồi ngay lập tức kiến nghị cho chủ đầu tư thực hiện dự án là không ổn. Hơn nữa, bản thân chủ đầu tư chưa hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường thì khuyến cáo cần được cân nhắc.
Tôi cho rằng những đánh giá, nghiên cứu trên thực tế bắt buộc phải có chuyên gia nhiều ngành tham gia, trong đó có vườn quốc gia Cát Tiên với tư cách là chủ rừng, là bên có nguy cơ bị ảnh hưởng tài nguyên năng lượng. Đồng thời cũng phải cho phép các tổ chức môi trường độc lập trong và ngoài nước tham gia. Cát Tiên là nơi nhận được rất nhiều tài trợ của quốc tế cũng như đầu tư của Nhà nước, không lý gì chúng ta đổ vào rất nhiều tiền rồi lại dễ dàng cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện các dự án gây ảnh hưởng đến những nỗ lực bảo tồn đã được đầu tư hơn mười năm qua.
Vacne đánh giá, khu rừng lõi Cát Lộc rộng gần 31.000ha trong khi phần sẽ bị ngập nước do thuỷ điện rộng 137ha, chiếm có 0,44% diện tích nên chỉ làm giảm chút ít nơi kiếm ăn của động vật, rất ít ảnh hưởng đến nơi cư trú của động vật. Phần diện tích sẽ bị ngập tuy có một số loài thực vât quý nhưng không nhiều, do nơi đây là vùng bị rải chất diệt cỏ trong chiến tranh, phần lớn là sinh cảnh rừng mọc lại, lồ ô và cây bụi, lại bị khai hoang làm nương rẫy nhiều. Khu Ramsar thế giới – Bàu Sấu cũng được đánh giá là chịu được các tác động tiêu cực.
Gần như đồng tình với Vacne còn có đại diện vụ Khoa học công nghệ và môi trường và tổng cục Lâm nghiệp (đều thuộc bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), vụ Năng lượng (bộ Công thương), với những luận điểm cũ, mang tính có lợi cho chủ đầu tư như: làm lại đầy đủ bản đánh giá tác động môi trường, phải có cam kết, có biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực…












TS Đào Trọng Tứ (giám đốc trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu):
Lẽ ra, khi môi trường Việt Nam đang ngày càng xấu đi thì Vacne, với vai trò, nhiệm vụ của mình phải quyết liệt bảo vệ môi trường. Tôi cho rằng, bài toán kinh tế được nhiều, mất ít không phải của Vacne mà là của Chính phủ, của những người ra quyết định, những nhà kinh tế. Vacne không thể phân tích đoạn đầu tác động hại nhiều, đoạn sau tác động ít rồi kết luận là mọi người phần lớn đồng ý, đề nghị Vacne soạn công văn kiến nghị với các cơ quan cho triển khai làm dự án. Tôi muốn hỏi, Vacne có chức năng làm công văn xin làm thuỷ điện cho Đồng Nai không? Vacne đang thay mặt cho nhà đầu tư? Xin nói luôn, Vacne đang đóng nhầm vai. Tôi cho rằng, hội thảo do Vacne tổ chức không có tính phản biện.
Ngay trong bộ quản lý ngành cũng từng khẳng định: không được đụng đến 1ha nào của vườn quốc gia Cát Tiên. Vậy mà...
Xé vụn làm gì?
TS Vũ Ngọc Long (đại diện Mạng lưới sông ngòi Việt Nam)
Tôi cho rằng, người ta đã không nghĩ đến tổng thể mà xé vụn nó ra và xoáy vào những con số vô nghĩa như thiệt hại 14ha so với 31.000ha thì không đáng kể gì. Đó không phải là khoa học. Phải nhìn ảnh hưởng ở mức độ lưu vực chứ đừng nhìn ảnh hưởng ở mức độ công trình. Nói thẳng ra, cái lợi đạt được tại hội thảo vừa rồi chỉ phục vụ cho một nhóm lợi ích nhỏ, thiểu số. Bản thân những người thiệt thòi lớn ở khu vực đó là những người nghèo. Cần có sự công bằng trong sử dụng tài nguyên. Trách nhiệm của các nhà khoa học là phải lăn lộn, phải làm trên cơ sở thực tế. Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức những đợt nghiên cứu thực tế tiếp, để chứng minh sự tồn tại của nhóm động thực vật quý hiếm trong khu vực này. Mà khi đã có những loài quý hiếm thì hầu như hai công trình này phải dừng.
Còn nếu họ cứ bảo sai thì sửa, sửa đến chừng nào làm được thuỷ điện trong vườn quốc gia mới thôi thì không khác nào đòi “ăn” cho được rừng nguyên sinh.
Được biết, trong ngày 15.9.2011, thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hứa Đức Nhị đã đi thực tế nơi hai dự án thuỷ điện nói trên dự kiến triển khai. Nhưng theo các nhà khoa học từng đến nơi này thì chuyến đi đó không khác gì… “cưỡi ngựa xem hoa”.
Ông Lâm Đình Uy (chuyên gia của trung tâm Đa dạng sinh học và phát triển): Nếu đi chỉ để biết mà ít nghiên cứu thì chưa nói được gì. Từ vị trí dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 đến vị trí dự án thuỷ điện Đồng Nai 6A khá xa và cực kỳ khó đi, mật độ rừng hai nơi này cũng khác xa nhau bởi rừng ở khu vực vị trí dự án Đồng Nai 6A vẫn là rừng nguyên sinh, nguyên vẹn.

Lê Quỳnh – Quốc Ấn
Chủ động giết rừng
Một nhà khoa học từng nhiều lần đến nghiên cứu tại Cát Tiên thận trọng: “Môi trường và những ảnh hưởng của nó khi xây dựng thuỷ điện chỉ là một yếu tố. Các mặt khác như văn hoá, xã hội, kinh tế… cũng cần được tính tới. Tôi là người trong nghề nên thấy ngạc nhiên khi người ta chưa thực sự đi thực tế hết, đánh giá hết mà đã tỏ ra ủng hộ việc xây thuỷ điện”. Vị này lo lắng uy tín quốc tế của Việt Nam trong bảo vệ rừng sẽ “đổ sông, đổ biển” vì xây thuỷ điện trong rừng nguyên sinh. Theo chuyên gia này, dự án thuỷ điện được triển khai theo kiểu “cố đấm ăn xôi” là cách chủ động “giết” môi trường nhanh nhất!...
(một bạn đọc)
Ai phá hơn ai?
Lâm tặc phá rừng là phạm pháp. Những nhà khoa học đồng ý cho chủ đầu tư phá rừng, phá môi sinh và ảnh hưởng văn hóa xã hội bằng những lý luận vô cảm thì còn tệ hơn. Singapore không tiếc công sức và tiền của xây dựng Night Safari, Sentosa, công viên chim, công viên bướm, thác nước bảy tầng. Tất cả đều là nhân tạo. Họ không có đất cũng chẳng có rừng nên phải xây dựng thiên nhiên giả và du khách các nước nườm nượp bỏ tiền vào xem. Chúng ta có thiên nhiên thật nhưng nhiều khi vì cái lợi kinh tế trước mắt mà nhắm mắt huỷ hoại môi trường. Những ý kiến “nói không” với thuỷ điện đầy tâm huyết và có lý có tình đáng được xem xét để cương quyết bảo vệ sông Đồng Nai và rừng Nam Cát Tiên.
(Hà Thị Phượng, haphuong59@...)
Tại sao vậy?
Xin lỗi các vị, chúng ta năn nỉ nước bạn Lào đừng xây đập thuỷ điện trên sông Mekong ngay trong lãnh thổ của họ, vậy mà tại sao các vị lại đua nhau xây thuỷ điện được cảnh báo là gây hại ngay trên sông nước của chính mình? Xin được nghe câu trả lời của các vị.
(Nguyễn Tuấn, nguyentnt@...)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét