Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Nơi đó có đường!

Đó là câu chuyện trong quyển sách NƠI NÀO CÓ Ý CHÍ- NƠI ĐÓ CÓ CON ĐƯỜNG, về một người phi công trẻ tuổi dũng cảm trong Thế chiến thứ hai. Anh bị thương nặng ở chân trong một trận không chiến một mất một còn với kẻ thù. Sau mười tám ngày bò lê trong bão tuyết để trở về, hai chân anh đã bị hoại thư. Các bác sĩ quyết định cứu lấy mạng sống của chàng trai trẻ bằng cách cắt bỏ đến đầu gối đôi chân của anh. Tình trạng đó khiến anh tưởng chừng mãi mãi tàn phế và giã từ đồng đội. 


Nhưng ước mơ được trở lại lái máy bay chiến đấu luôn cháy bỏng trong anh. Khi rời bệnh viện anh quyết tâm luyện tập với một ý chí sắt đá - cho dù bác sĩ, cho dù cấp trên và mọi người khẳng định chắc chắn rằng điều anh muốn làm là không thể nào thực hiện được, khuyên anh đừng cố gắng vô ích nữa! 


Nhưng sau cùng - với một quyết tâm không gì lay chuyển được - anh đã làm được điều chưa từng có trong lực lượng không quân Xô viết và cả trong lịch sử ngành hàng không thế giới: Người mất cả hai chân vẫn lái được máy bay tiêm kích hiện đại nhất. Chàng trai trẻ bản lĩnh với đôi chân giả lại tung hoành trên bầu trời và đã bắn hạ được hàng chục máy bay chiến đấu của kẻ thù trong những cuộc đối đầu trên không. 


Tên của anh được lan truyền vượt ra ngoài biên giới và là nỗi ám ảnh kinh hoàng của các phi công Đức Quốc Xã lúc bấy giờ. Anh đã được quân đội Xô viết phong tặng huân chương Anh hùng vì lòng dũng cảm vô song của mình. Sự phi thường của anh bắt nguồn từ một ý chí kiên định theo đuổi đến cùng khát vọng của mình.
....

Tôi không có ý định giới thiệu một quyển sách!

Tôi muốn nói về một con người- một nguồn tin- một đối tượng từng trả lời phỏng vấn của mình: ông Trần Văn Thành- Giám đốc vườn Quốc gia Cát Tiên.

 Ông Trần Văn Thành- giám đốc vườn Quốc gia Cát Tiên.

Khi người ta tính xây thủy điện trong rừng nguyên sinh thuộc vườn Quốc gia Cát Tiên, ông Thành phản đối kịch liệt. Khi rừng ngày càng teo tóp bởi lâm tặc và thậm chí là... chính sách thì việc giữ từng mét rừng cũng càng thêm khó khăn. Ông Thành từng than với tôi: "Giữ rừng bây giờ khó quá. Rừng đệm bị phá tan hoang vì dân vào khai thác, trồng trọt, ăn ở khiến rừng nguyên sinh bị đe dọa nghiêm trọng!"

Trả lời câu hỏi của tôi rằng có sợ mất chức không (trên Sài Gòn Tiếp Thị), ông Thành khẳng định: "Nếu vì nói thật mà mất chức tôi cũng không sợ. Sự thật sẽ được kiểm chứng bởi những người công tâm không chỉ trong thời điểm hiện tại mà còn tới đời con, đời cháu của chúng ta nữa."

Sau đó một thời gian, ông phải bay ra Hà Nội để dự hội thảo của Vacne (hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) tổ chức. Ông phải thốt lên: "Tôi cảm thấy chán nản!" Ông chán nản cũng phải, họ mời ông cho... có tụ. Họ- dù mang danh tiếng là nhà khoa học- lại ủng hộ thủy điện dù chưa bao giờ đặt chân đến đất Cát Tiên để nghiên cứu.

Ông Trần Văn Thành (bìa trái) trong một cuộc khảo sát tại Cát Tiên với giới khoa học nước ngoài.

Nhưng tôi biết ông không đơn độc trên con đường của mình!

Nhiều nhà khoa học, nhà báo có lòng tự trọng, có thực tế nghiên cứu, có tâm với rừng vẫn ủng hộ ông!

Họ có thể lo ngại: Đồng Nai sắp sửa đổi dòng- Cát Tiên đổi cảnh, tiền đồng đổi tâm... 

Nhưng tôi biết, họ vẫn sẽ sát cánh cùng ông!

Vì Cát Tiên bây giờ không chỉ là nơi dự kiến xây hai thủy điện. Cát Tiên bây giờ đã là nơi đo ý chí của những người giữ rừng!

Và tôi tin chắc, con đường và hành trình giữ rừng sẽ không vì thế mà đứt quãng!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét