Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Đồng Nai lên tiếng đề nghị dừng dự án



SGTT.VN - Tỉnh uỷ Đồng Nai vừa có văn bản yêu cầu UBND tỉnh tổ chức hội thảo khoa học đánh giá tác động tiêu cực của dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A đến kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái của khu dự trữ sinh quyển thế giới trên địa bàn tỉnh (rừng Nam Cát Tiên) và vùng hạ lưu sông Đồng Nai.
Loài vượn đen má vàng sẽ bị đe doạ nghiêm trọng nếu xây thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A. Ảnh do TS Vũ Ngọc Long cung cấp
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong quá trình xem xét, khảo sát, nghiên cứu, thẩm định cho đến khi dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch thuỷ điện sông Đồng Nai, tỉnh hoàn toàn không được lấy ý kiến đánh giá các ảnh hưởng, tác động trong việc xây dựng dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A; dự án không có hồ sơ cụ thể về thông số kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường cũng như các ảnh hưởng tác động đến tỉnh Đồng Nai.
Ngày 6.10, trả lời phỏng vấn phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Thành Trí, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khẳng định: “Đồng Nai xác định chủ trương là bảo vệ rừng. Chúng tôi đã kiến nghị các đơn vị liên quan về tác động của thuỷ điện trên sông Đồng Nai và đề nghị dừng lại hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A. Đồng Nai là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của hai dự án này vì chúng tôi ở cuối nguồn trong khi những người muốn làm thuỷ điện, ủng hộ thuỷ điện lại không hỏi chúng tôi một câu nào. Chủ đầu tư cũng không có một văn bản nghiên cứu khoa học nào về những tác động từ thuỷ điện đối với hạ nguồn để gửi cho tỉnh nghiên cứu, xem xét mức độ ảnh hưởng”.
Theo ông Trí, thuỷ điện đầu nguồn đã khiến nước của hồ Trị An những năm qua xuống thấp kỷ lục, việc chống mặn xâm nhập nguồn nước sông Đồng Nai khó khăn hơn, chất lượng nước mặt và nước ngầm đi xuống... Nay làm thêm thuỷ điện thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra…
Cùng ngày, ông Lê Viết Hưng, giám đốc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai, xác nhận sở này đang gấp rút tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học về tác hại của hai thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A đối với địa phương mình.
Trước đó, được sự uỷ quyền của UBND tỉnh Đồng Nai, tại hội thảo do hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (Vacne)tổ chức vừa qua, sở Công thương, trong tham luận của mình đã cho rằng: dù dự án không nằm trên địa phận quản lý của tỉnh, nhưng do tỉnh nằm phía hạ lưu thuỷ điện này nên sẽ chịu ảnh hưởng, tác động trực tiếp và gián tiếp. Theo đại diện sở, qua rà soát, nghiên cứu và đánh giá các ảnh hưởng, tác động, nếu xây dựng thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, khu vực huyện Tân Phú và Định Quán trước hồ thuỷ điện Trị An (khu vực này có lòng sông hẹp, nhiều ghềnh thác) sẽ bị ảnh hưởng chủ yếu. Cuộc sống, sinh hoạt của người dân cũng như một số công trình công cộng dọc hai bên bờ sông sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp khi thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A điều tiết lũ.
Ngoài ra, nếu thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A được xây dựng thì sẽ làm hạn chế dòng chảy theo chu kỳ hàng năm, nhất là vào các thời điểm mùa khô và thời điểm điều tiết lũ. Điều này sẽ gây tác động cộng hưởng (do các hồ thuỷ điện đều thực hiện tích nước và điều tiết nước theo cùng một thời điểm), ảnh hưởng đến hoạt động điều tiết nước của hồ thuỷ điện Trị An. Vào mùa khô, các vùng dọc sông Đồng Nai cần nước sẽ không có, trong khi vào mùa lũ cần tiêu thoát nước thì hồ thuỷ điện lại xả nước. Theo sở Công thương, thực tế trong những năm qua, nhất là vào mùa khô năm 2010 và 2011, hồ thuỷ điện Trị An đã không thể tích đủ nước để phục vụ cho công tác phát điện, cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều tỉnh vùng hạ lưu sông Đồng Nai và thực hiện việc đẩy mặn phía hạ lưu.
Theo điều 7 luật Đa dạng sinh học, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất vườn quốc gia từ 50ha trở lên thì phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
QUỐC ẤN – LÊ QUỲNH

Một loài hoa mới cho khoa học đang chuẩn bị công bố trên thế giới, được thu mẫu ngay trong vùng dự án. Ảnh do TS Vũ Ngọc Long cung cấp
TS Vũ Ngọc Long (đại diện Mạng lưới sông ngòi Việt Nam):
Nhiều loài mới sẽ bị chôn vùi nếu làm thuỷ điện
Khu vực bị ngập khi làm thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A có nhiều loài động thực vật quý hiếm sinh sống. Loài Camellia longii có hoa tuyệt đẹp là một loài mới cho khoa học, chuẩn bị được công bố. Nếu hồ thuỷ điện được xây dựng, loài thực vật mới này sẽ bị nhấn chìm xuống lòng hồ. Ngoài ra, dựa vào bản đồ phân bố, có tối thiểu bốn bầy vượn đen má vàng (loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, mức nguy cấp EN theo IUCN 2011) sinh sống dọc sông Đồng Nai, sát ngay khu vực dự kiến xây dựng thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A. Đây là loài có tập tính bảo thủ rất cao về lãnh thổ.
TS Đào Trọng Tứ (giám đốc trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu):
Thật đáng báo động
Làm khoa học có những ý kiến trái ngược nhau là bình thường. Nhưng người làm khoa học nên nói ở góc độ khách quan, không bị tác động bởi bất cứ điều gì, và phải định hướng được cho vấn đề. Thực tế ở Việt Nam hiện nay, thuỷ điện trên sông đang bị làm ồ ạt, vậy mà nhiều người vẫn tìm mọi chỗ trống trên sông gài thuỷ điện vào. Điều này thật đáng báo động! Tôi tin rằng kết quả hội thảo của Vacne vừa qua sẽ làm bùng nổ một tranh luận mới đâu là thật, đâu là giả, đâu là đúng, đâu là sai.
Ông Dương Trung Quốc (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai):
Không thể làm lơ hậu quả được!
Tôi có đi tiếp xúc cử tri ở Đồng Nai và thấy họ lo lắng về đời sống trước mắt của mình trong khi thuỷ điện hãy còn là điều gì đó xa vời. Tiếp xúc với các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, rõ ràng chủ trương của tỉnh là phản đối thuỷ điện xâm hại rừng nguyên sinh, vì người dân có thể chưa nhìn thấy hậu quả nhưng chính quyền không thể làm lơ được.
Theo tôi, hiện giờ có hai tổ chức chính là Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) nghiêng về ủng hộ bảo vệ rừng và hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (Vacne) nghiêng về ủng hộ triển khai thuỷ điện. Có lẽ cần mời liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật đứng ra làm đơn vị trung gian, và đặc biệt phải mời đầy đủ các địa phương có liên quan đến vườn quốc gia Cát Tiên lắng nghe hai bên phản biện.
Tôi có theo dõi và đang tập hợp các tài liệu của các bên để có một cái nhìn tổng quát hơn nên tạm thời chưa thể đưa ra ý kiến ngay. Song trong kỳ họp Quốc hội sắp tới thì vấn đề này sẽ được mổ xẻ rõ ràng hơn.

Bất nhất
PGS.TS Nguyễn Đình Hoè (trưởng ban Phản biện xã hội, hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam – Vacne) đã bày tỏ thái độ ủng hộ hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A tại hội thảo ngày 30.9.2011. Điều này làm nhiều người ngạc nhiên khi trước đó, ý kiến của vị tiến sĩ này hoàn toàn ngược lại.
Cụ thể, trả lời phỏng vấn trên báo Nông Thôn Ngày Nay ra ngày 29.6.2011, PGS.TS Nguyễn Đình Hoè, cho rằng: “…Tựu trung, xây dựng nhà máy thuỷ điện trên thượng nguồn các sông không tránh khỏi mất rừng, tác động đến hệ sinh thái. 137ha đất rừng Cát Tiên cắt ra chỉ là diện tích để xây dựng nhà máy, còn diện tích rừng bị mất đi do ngập nước và các nguyên nhân khác có liên quan đến thuỷ điện còn lớn hơn nhiều. Xin thưa rằng, phải mất hàng trăm năm mới có được thảm thực vật đa dạng của rừng Cát Tiên. Theo tính toán, để làm ra 1MW điện thì sẽ mất đi từ 15 – 100ha rừng... Với việc quy hoạch gần 20 nhà máy thuỷ điện bậc thang trên sông Đồng Nai, có thể nói, các công trình thuỷ điện đang và sẽ “bao vây” vườn quốc gia Nam Cát Tiên, hệ luỵ khó mà lường trước...”
Còn trên báo Người Lao Động, ra ngày 28.6.2011, ông nói: “Không chỉ hệ sinh thái của vườn quốc gia và rừng phòng hộ bị ảnh hưởng mà cả lưu vực sông Đồng Nai cũng ảnh hưởng, thiệt hại lớn nhất thuộc về vùng phát triển kinh tế trọng điểm Nam bộ, nhất là TP.HCM. Vì việc chỉ có một dòng chảy tối thiểu xuống hạ lưu có thể khiến cho Đồng Nai trở thành con sông chết, trong khi dòng sông này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng mà vẫn chưa có những hành động cải thiện cụ thể, chứ không phải “ít gián đoạn dòng chảy cho hạ nguồn” như nhận định của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn...”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét