Những ảnh hưởng của thủy điện đối với rừng nguyên sinh ở Cát Tiên, đối với sông Đồng Nai và hơn chục triệu cư dân phía hạ nguồn là có thật. Nhưng sự thật đã không được kiểm tra, được kiểm tra chưa thấu đáo hoặc bị "lướt qua" như cách kiểm tra theo xu hướng "cưỡi ngựa xem hoa" của một số cán bộ có trách nhiệm.
Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Đồng Nai đã gửi thông báo, mời một số nhà khoa học tham dự hội thảo đánh giá tác động Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (vào ngày 26.10.2011) để lắng nghe các đánh giá về ảnh hưởng của hai dự án này đối với vườn quốc gia Cát Tiên và hạ lưu sông Đồng Nai.
"Chúng tôi không cần các vị khoa học bàn giấy!"
Đó là khẳng định của một quan chức ở tỉnh Đồng Nai về việc tỉnh này chỉ mời một số nhà khoa học. Tuy nhiên, trong danh sách khách mời của tỉnh Đồng Nai hoàn toàn không có đại diện các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Đăk Nông cũng như đại diện của Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (Vacne), đại diện của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên- Môi trường...
Lý giải vấn đề này, một cán bộ Sở Tài nguyên- Môi trường Đồng Nai cho biết: "Chủ trương của lãnh đạo tỉnh là chỉ mời những nhà khoa học từng đến nghiên cứu thực tế tại vườn Quốc gia Cát Tiên chứ chúng tôi không cần những vị ngồi nghiên cứu bàn giấy. Chúng tôi là địa phương cuối nguồn và muốn biết dân Đồng Nai bị ảnh hưởng ra sao bởi thủy điện?"
Trước đó, từ khi tập đoàn Đức Long- Gia Lai, chủ đầu tư của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không hề hỏi ý kiến của tỉnh Đồng Nai về các ảnh hưởng địa phương này phải gánh chịu. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã từng gửi văn bản đề nghị Bộ Công thương báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét lại quyết định đầu tư hai dự án thủy điện 6, 6A vì các tiêu cực tác động đến vườn Quốc gia, gây khó khăn cho việc điều tiết lũ, đẩy mặn và cấp thoát nước ở các tỉnh vùng hạ lưu...
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Dương Trung Quốc cho biết, ông đi tiếp xúc cử tri ở Đồng Nai, thấy họ lo lắng về đời sống trước mắt của mình trong khi thuỷ điện hãy còn là điều gì đó xa vời. Tiếp xúc với các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, thấy rõ ràng chủ trương của tỉnh là phản đối thuỷ điện xâm hại rừng nguyên sinh. Vì người dân có thể chưa nhìn thấy hậu quả nhưng chính quyền không thể làm lơ được.
Người dân, không phải ai cũng được cung cấp đầy đủ thông tin về hai dự án thủy điện nói trên sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống của họ ra sao. Và khi được cung cấp thông tin, người dân không cần thông tin của những nhà khoa học thiếu thực tế, đặc biệt là thực tế về nơi mà đời sống của họ bị ảnh hưởng.
Đoạn sông Đồng Nai gần nơi dự kiến sẽ xây dựng thủy điện Đồng Nai 6A - Ảnh: TTO
|
Một đối trọng có thực lực
Theo đánh giá của ông Dương Trung Quốc, hiện giờ có hai tổ chức chính là Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) nghiêng về ủng hộ bảo vệ rừng và Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) nghiêng về ủng hộ triển khai thuỷ điện.
Ông Quốc cho rằng cần mời Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đứng ra làm đơn vị trung gian, và đặc biệt phải mời đầy đủ các địa phương có liên quan đến vườn Quốc gia Cát Tiên lắng nghe hai bên phản biện.
Trong khi chờ VUSTA nhận trách nhiệm trọng tài thì có vẻ (VACNE)- đơn vị vừa ra mặt ủng hộ hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã có một đối trọng xứng đáng khi UBND tỉnh Đồng Nai chọn các nhà khoa học thuộc VRN tham gia hội thảo.
Và VRN là một đối trọng có thực lực!
Theo như tìm hiểu của người viết, các nhà khoa học thuộc VRN đã nhiều lần đến vườn Quốc gia Cát Tiên để nghiên cứu không chỉ rừng, sông mà còn nghiên cứu cả những tác hại của thủy điện. Mặt khác, ngoài thực tế vốn có thì những nhà khoa học này được đánh giá rất cao, không phải những "tiến sĩ giấy" như nhiều chuyên gia... bàn giấy khác.
Người dân, không phải ai cũng được cung cấp đầy đủ thông tin về hai dự án thủy điện nói trên sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống của họ ra sao. Và khi được cung cấp thông tin, người dân không cần thông tin của những nhà khoa học thiếu thực tế, đặc biệt là thực tế về nơi mà đời sống của họ bị ảnh hưởng.
|
Và hội thảo về các vấn đề môi trường liên quan đến Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do VACNE tổ chức vào ngày 30.9.2011 sẽ có một đối trọng xứng đáng: Hội thảo khoa học về tác động môi trường của Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đối với vùng hạ lưu và tỉnh Đồng Nai vào ngày 26.10.2011.
Và ở đó, không có chuyện ông Trần Văn Thành- Giám đốc vườn Quốc gia Cát Tiên chỉ đến cho... có tụ và ra về với tâm trạng chán nản như ông từng phát biểu trên một tờ báo!
Và ở đó, ông Vũ Ngọc Long- nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu ở Cát Tiên sẽ không từ chối tham dự vì sợ dự một hội thảo "rất thiếu hiểu biết và không có cái nhìn của một nhà khoa học bảo tồn"!
Tuy nhiên, hội thảo ngày 26.10.2011 sẽ không có điều mà giới khoa học và giới báo chí mong đợi nhất: Cuộc tranh luận sòng phẳng giữa VRN và VACNE.
Sự thật mời gọi
Nhà thơ người Anh Samuel Johnson có nhiều câu danh ngôn bất hủ, từng nói: "Chỉ có dối trá và lừa lọc mới sợ bị kiểm tra. Sự thật mời gọi nó!"
Những điều mà người dân chưa biết là sự thật. Những ảnh hưởng của thủy điện đối với rừng nguyên sinh ở Cát Tiên, đối với sông Đồng Nai và hơn chục triệu cư dân phía hạ nguồn là có thật. Nhưng sự thật đã không được kiểm tra, được kiểm tra chưa thấu đáo hoặc bị "lướt qua" như cách kiểm tra theo xu hướng "cưỡi ngựa xem hoa" của một số cán bộ có trách nhiệm.
Vì sự thật không được nêu ra nên trước hết người ta phải mời gọi sự thật, hoặc chí ít là mời gọi những người từng có thực tế khoa học từng kiểm tra sự thật ấy...
Vậy thì cách mà UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện hội thảo khoa học về tác động môi trường của Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đối với vùng hạ lưu và tỉnh Đồng Nai nên hiểu thế nào cho đúng? Tạo điều kiện cho VRN có cuộc "tập dượt" trước khi VUSTA đứng ra tổ chức cho VNR và VACNE "tương ngộ"? Hay là một "kịch bản" được soạn trước để những nhà khoa học bảo vệ rừng có chỗ... được nói?
Tôi không rõ, nên tôi đành hiểu theo cách đơn giản nhất: Họ chọn đứng về sự thật, chọn những nhà khoa học có thực tế nghiên cứu thật để lắng nghe. Vì tác hại của thủy điện, chắc chắn là có thật!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét