Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Ký ức loài tê giác


- Kỳ 1: Từng chung sống hiền hòa
TT - Ngày 25-10, Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WWF) công bố tin chấn động: loài tê giác một sừng cuối cùng ở VN đã vĩnh viễn biến mất. Đây là thông tin gây “sốc” cho tất cả những ai từng tự hào về tài nguyên thiên nhiên phong phú của VN.
Điều gì đã xảy ra dưới tán rừng bao đời nay từng là ngôi nhà yên bình cho loài thú quý hiếm này? Và liệu sau loài tê giác thì hiểm họa sẽ còn giáng xuống loài thú quý hiếm nào của VN?

Cho đến giờ phút này, những già làng người dân tộc S’tiêng ở thôn 3, 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng vẫn nhớ rõ những câu chuyện về loài tê giác một sừng vừa biến mất tại VN.
Con tê giác một sừng được chụp bằng bẫy ảnh ở vườn quốc gia Cát Tiên năm 1999 - Ảnh tư liệu
Già Điểu K’Nưa ở thôn 3 kể: “Từ nhỏ mình đã gặp tê giác trong rừng rồi, không nhớ hết mấy lần đâu, nhiều lắm, như cái tuổi của mình cũng không nhớ chính xác được, hình như đã 80 hay 83 tuổi gì đó”. Thế nhưng ông lại nhớ như in lần cùng cả làng đi xem tê giác đẻ.
“Tổ ấm” ở Bàu Chim
“Ấy là năm 1998, khi mới xong mùa bắp, mình nghe có tê giác về đẻ ở Bàu Chim thế là cùng người trong làng chạy ra trèo lên cây xem. Tê giác con nhìn giống như chú heo ăn nhiều béo tốt ở nhà mình. Nó kêu héc héc, rúc rúc vào bụng của mẹ nó bú. Mình với lũ làng coi chán rồi rủ nhau về...”, K’Nưa kể lại.
Lần ấy, già Điểu K’Giang gần nhà K’Nưa, nay đã 73 tuổi, cũng cùng người làng đi xem tê giác đẻ tại Bàu Chim. Khu vực Bàu Chim nằm giữa hai quả đồi, cách rẫy của nhà K’Giang không xa. Tối đó K’Giang nghe tiếng kêu khè khè rồi tiếng chân giậm đất bình bịch, ông biết ngay là tê giác về Bàu Chim. Bàu Chim là nơi có dòng nước khoáng nên tê giác thường kéo về đây uống nước. Cũng như mọi khi, K’Giang nghĩ tê giác về uống nước nhưng “sáng ra xem thì thấy có một con tê giác con là biết đêm qua nó đẻ rồi”.
Đã thấy tê giác nhiều lần nhưng chưa khi nào được xem tê giác con mới đẻ nên K’Giang chạy về kêu người làng ra xem. “Mình trèo lên cây chỉ cách xa chỗ tê giác đẻ chừng 50m à”, K’Giang nói rồi kể tiếp khu vực tê giác đẻ nằm ngay gần mép nước của Bàu. Xung quanh cây cối và cỏ được tê giác mẹ giẫm đạp bẹp xuống tạo thành một cái ổ êm cho tê giác con nằm. Cái ổ ấy rất sạch.
Thấy mọi người đến xem, tê giác mẹ chỉ kêu heng héc. Mấy ngày sau thì tê giác mẹ dẫn con vào rừng. “Mình đi theo dấu chân xem mẹ con tê giác đi đâu nhưng chỉ thấy dấu chân to bè của tê giác mẹ. Mình nghĩ tê giác con đã chết hay bị lạc rồi nên buồn lắm”, già K’Giang vừa đeo gùi trên vai lững thững đi, vừa kể như chuyện mới xảy ra hôm qua.
Đem điều này hỏi ông Phạm Hữu Khánh, phó giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên, người đã có hơn 10 năm cùng các chuyên gia nước ngoài và các giáo sư trong nước điều tra nghiên cứu tê giác Java tại khu rừng Cát Lộc, ông cười: “Đó là bà con dân tộc không biết.
Tê giác một sừng có thói quen sinh tồn là khi đi trong rừng, tê giác con luôn đi trước còn mẹ ở phía sau. Đi đến đâu, tê giác mẹ lại xóa dấu chân tê giác con đi”. Nhiều nhà khoa học phỏng đoán rằng tê giác mẹ làm vậy cũng là để xóa dấu vết của con lưu lại trên đường, tránh các loại thú ăn thịt khác theo dõi.
Khi rừng thay đổi
Bà con dân tộc S’Tiêng và Châu Mạ ở thôn 3, thôn 4 xã Phước Cát 2 là những cư dân sống lâu đời tại vùng rừng Cát Lộc thuộc vườn quốc gia Cát Tiên này. Mọi người già trong làng đều cho hay trước đây rất thường gặp tê giác đi kiếm ăn. Già K’Nưa nhớ lại: “Hồi nhỏ mình đã nghe bố mẹ kể lại rồi. Ông bà mình, tới bố mẹ mình nói đi rừng là gặp tê giác. Bố mẹ mình không biết đó là tê giác đâu chỉ biết nó là con thú lớn, dặn con cháu đi rừng thấy nó đi đường này là phải tránh đường khác mà đi. Sau này mình cũng dặn con cháu như thế”.
Những già làng cho rằng ngày trước con người và tê giác cùng sống hiền hòa dưới một tán rừng. Thế nhưng từ ngày bị con người lùng sục, săn bắn, tê giác dần trở nên hung dữ. Bà Điểu K’Níc ở thôn 3 kể một lần đi rẫy đã bị tê giác tấn công.
Cũng may cho bà, lần đó K’Giang ở ngay cạnh nên chạy ra xua đuổi con tê giác đen trùi trũi. Nó không đi mà tiếp tục ào tới tấn công K’Giang. K’Giang đành bỏ chạy thục mạng, chạy vòng quanh các gốc cây rừng để tránh đường thẳng. Rồi K’Giang vấp ngã, cái xà gạc (một loại dao đi rừng của bà con dân tộc) vác trên vai vướng cây lồ ô quật xuống, chém phập vào bàn tay K’Giang. “Cũng may con tê giác không tiếp tục đuổi theo nên tôi thoát chết”, đưa bàn tay còn nguyên vết sẹo K’Giang kể.
Thế rồi tê giác ngày càng ít xuất hiện hơn. Những nhà khoa học trong và ngoài nước cũng như hơn 100 cán bộ kiểm lâm vườn quốc gia Cát Tiên sau hàng chục năm nghiên cứu, lội rừng cũng chỉ có vài người được tận mắt nhìn thấy tê giác tại vườn quốc gia Cát Tiên. Anh Phạm Quốc Vinh, 33 tuổi, cán bộ kiểm lâm vườn quốc gia Cát Tiên, là một người trong số tận mắt nhìn thấy tê giác.
Anh Vinh thấy được tê giác trong một chuyến đi rừng để điều tra và giám sát tê giác vào cuối tháng 11-2006 tại khu đồi Đình Rách thuộc thôn 3, xã Phước Cát 2. Nhóm có bốn người gồm anh Nguyễn Văn Thanh (trưởng phòng khoa học hợp tác quốc tế, thuộc vườn quốc gia Cát Tiên, sau này về làm cán bộ Ban kinh tế, nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng), anh Phạm Quốc Vinh cùng một kiểm lâm viên và một người dân tộc dẫn đường.
Anh Vinh kể lại lúc đó khoảng 1g30 mọi người vừa ăn cơm xong và đang nằm nghỉ thì nghe tiếng thở khì khì. Anh em bảo nhau khom người đi khẽ và chợt thấy một con tê giác lừng lững nặng hơn 1 tấn lấp ló đang ăn cách đó hơn 10m. “Anh Thanh lấy máy quay phim trong giỏ ra, hồi hộp đến run tay khi đưa máy lên bấm. Chúng tôi mừng mà run lập cập, nín không dám thở. Quay phim được chừng 5 phút thì bị con tê giác phát hiện và bỏ chạy. Tiếng chân nó giẫm lên tre nứa gãy rôm rốp, ầm ầm như xe tăng đi trong rừng”, anh Vinh thuật lại.
Hơn tám năm làm kiểm lâm đóng tại trạm Phước Sơn, anh Vinh đã ba lần giáp mặt với tê giác. Anh Vinh kể một thói quen khá lạ của tê giác: chúng bới đất chôn phân như loài mèo hoặc đá văng tung tóe chứ ít khi để nguyên đống.
Anh Vinh mô tả: phân tê giác thường còn nguyên những đoạn cây lá rừng, lổn nhổn, dài hơn đốt ngón tay trông như xác bã trà. Khi khô, chúng khá thơm mùi thuốc bắc. Cũng chính vì điều này mà không ít người đồn thổi rồi lén lút hốt về xào xáo lên phơi khô và ngâm rượu uống. Ấy mới chỉ là phân, chưa nói đến chiếc sừng mà dân gian đồn thổi như “thuốc tiên” khiến loài tê giác trở thành nạn nhân của chính sự quý hiếm người ta dành cho chúng...
ĐỨC TUYÊN
__________________
Từ những năm 1960, đã một lần người ta tưởng tê giác biến mất. Rồi năm 1999, những tấm hình thu được từ bẫy ảnh ở vườn quốc gia Cát Tiên đã thổi bùng lên hi vọng, nhưng một thập kỷ sau lại là thông tin diệt vong. Điều gì đã diễn ra?
Kỳ tới:  Từ dấu chân đến hình ảnh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét