Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

"Trâu một sừng" ơi!

Nỗi buồn… tê giác

"Tê giác là loài quý hiếm và lận đận về đường giống nòi nhất. Là linh hồn của rừng già Cát Tiên, nay con trâu một sừng không còn nữa, anh em chúng tôi đau và rừng già cũng đau. Từ đây vĩnh viễn mất đi 1 thực thể giống loài, hỏi sao rừng không rưng rưng nước mắt", ông Nguyễn Văn Minh, Hạt phó thường trực Hạt Kiểm lâm Cát Tiên, ngậm ngùi.

Khoảng 1 tháng trước thời điểm Quỹ quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Quỹ Bảo tồn quốc tế tê giác (IRF) khẳng định loài tê giác Java một sừng tại Việt Nam đã tuyệt chủng, chúng tôi có chuyến điền dã tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

Còn nhớ lúc trò chuyện, ông Nguyễn Văn Minh, Hạt phó thường trực Hạt Kiểm lâm Cát Tiên, lạc quan bật mí quần thể tê giác ở Cát Tiên "còn từ 2-4 cá thể". Nên khi  WWF và IRF công bố hung tin, chúng tôi hết sức bất ngờ. Gọi điện thoại sẻ chia tin này với ông Minh, thật đau lòng khi nhận được tiếng thở dài ở bên kia đầu dây của con người rất tâm huyết trong việc giữ rừng, giữ thú. Và sâu trong đại ngàn Cát Tiên, trong những ngôi nhà sàn truyền thống, khi biết được tin này, những già làng người Châu Mạ, S'tiêng…  cũng lặng người, đau xót.

Lần trở lại VQG Cát Tiên lần này của chúng tôi không được vui như lần trước. Có lẽ bởi hung tin về sự vắng bóng vĩnh viễn của loài tê giác một sừng bao trùm khắp núi rừng Cát Tiên. "Người Mạ và S’tiêng ở núi rừng nơi này gọi tê giác Java là "trâu một sừng" - Hạt phó thường trực Nguyễn Văn Minh, trầm giọng: "Rừng Cát Tiên có nhiều loài thú quý hiếm có số phận mong manh trước họng súng tàn bạo của phường săn như bò tót, voi châu Á, voọc chân đen, báo hoa mai, cá sấu Xiêm… Nhưng tê giác là loài quý hiếm và lận đận về đường giống nòi nhất. Là linh hồn của rừng già Cát Tiên, nay con trâu một sừng không còn nữa, anh em chúng tôi đau và rừng già cũng đau. Từ đây vĩnh viễn mất đi 1 thực thể giống loài, hỏi sao rừng không rưng rưng nước mắt".

Theo Sách đỏ Việt Nam, tê giác Java còn được gọi là tê giác 1 sừng. Loài này từng phân bố rộng ở toàn khu vực Đông Nam Á, cả Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt nhiều ở các đảo của Indonesia. Do bị sát hại bừa bãi để lấy sừng nên sau hung tin tuyệt chủng ở Việt Nam, hiện nay chỉ còn một quần thể tê giác 1 sừng khoảng 40 con sống ở Vườn quốc gia Ujung Kulo trên đảo Java ở Indonesia. "Tê giác to lớn, khỏe mạnh là vậy nhưng điều đó không giúp chúng thoát khỏi họng súng của con người" - anh Đỗ Văn Thao, cán bộ pháp chế Hạt Kiểm lâm Cát Tiên, trăn trở: "Trong tự nhiên, nếu như các loài khác đều có thiên địch, ví như chuột là thức ăn của rắn, rắn là món khoái khẩu của chim bìm bịp… thì tê giác chẳng có "đối thủ" đáng gờm nào, ngoài con người. Người ta tin sừng tê giác là thần dược dùng để hút nọc rắn, giải độc, chữa nhiều chứng bệnh ung thư, giúp cải lão hoàn đồng… và niềm tin này đã đẩy giá sừng tê giác lên đến tiền tỷ. Sát hại 1 con tê giác cắt lấy sừng, lột lấy da bán được số tiền khổng lồ nên cánh thợ săn không từ bất kỳ thủ đoạn nào để giương nòng khạc đạn săn con thú "quý tộc" này".

Chính chiếc sừng đã khiến loài tê giác bị sát hại vô tội vạ

Vườn quốc gia Nam Cát Tiên có tổng diện tích lên đến 71.350ha, tiếp giáp với 38 xã và 18 vạn dân sinh sống nhưng số nhân viên kiểm lâm trực tiếp bảo vệ rừng chưa đến 130 người… Địa bàn quá rộng, người sống ở vùng lõi, vùng đệm, sống phụ thuộc vào rừng quá "hùng hậu" mà quân số kiểm lâm lại quá mỏng nên dù tận tâm tận lực đến mấy thì những người bảo vệ rừng không thể nào quản lý nổi rừng.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bình, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Cát Tiên không ngần ngại thổ lộ rằng VQG Cát Tiên có tỉ lệ người dân xâm nhập trái phép phá rừng và săn thú "chiếm ngôi quán quân" trong hệ thống vườn quốc gia của cả nước. Khi chúng tôi đề cập đến giải pháp cứu rừng bằng việc di dời dân ra khỏi vùng lõi, vùng đệm thì ông Bình cho biết, lãnh đạo vườn đã nhiều lần kiến nghị nhưng… Chợt nghĩ nếu như kiến nghị "cách ly" của VQG Cát Tiên được quan tâm, sớm triển khai thì biết đâu loài tê giác đã được cứu, đã thoát khỏi cái cảnh bị tuyên bố tuyệt chủng như hôm nay.

Rời vườn quốc gia Cát Tiên với nỗi buồn trĩu nặng, chúng tôi đến thăm lại xã Tà Lài, thăm lại già làng K'Cân. Lần ghé thăm trước,  nói chuyện về con trâu 1 sừng, già K'Cân, người từng được phong danh hiệu dũng sĩ bắn máy bay vào năm 1973, dù tuổi đời xấp xỉ 80, nhưng rất minh mẫn, vô cùng hào hứng. Lần đó già kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện lý thú về con trâu một sừng, như chuyện nó to lớn nhưng chưa từng hại ai, buôn làng từ muôn đời qua chưa có ai chết do bị con trâu 1 sừng gây án.

"Nó to lớn, cọp cũng không dám tấn công. Nhưng nó nhát lắm, hiền lắm" - già K'Cân, trò chuyện: "Hồi còn nhỏ, nghe ông cha bà mẹ kể rừng có nhiều trâu một sừng. Thịt trâu một sừng không ngon, khi bị dồn vào chỗ chết nó rất hung dữ nên dân làng không săn bắt, sát hại nó. Ngửi mùi người là nó bỏ chạy thật xa, nó lủi vào bụi. Hồi trước năm 1960 rừng cũng còn nhiều trâu một sừng, đi rừng mình và dân làng thường hay gặp. Sau đó thì ít thấy dần do rừng và trâu một sừng bị bom đạn chiến tranh làm hại, sau đó đến lượt con người săn nó lấy sừng". 

Lần trở lại hôm nay, nghe thông tin "trâu một sừng" giờ chỉ còn là chuyện quá vãng, già K'Cân trầm ngâm. Giọng nói sang sảng của ông lần trước nay khàn đục: "Không còn nữa, nó chết hết rồi, rừng không còn trâu một sừng nữa rồi". Già K'Cân cứ lặp đi lặp lại câu nói ấy trong tiếng thở dài. Rồi già bước ra ngôi nhà sàn truyền thống, hướng ánh mắt, chỉ tay về phía ngọn núi trước mặt từng một thời in dấu trâu một sừng, nói: "Ngày trước nó hay về đây kiếm thức ăn. Lúc ngồi bên bếp lửa, người già hay kể cho con cháu nghe chuyện con thú ở rừng. Mai này tau chết đi, có còn ai biết, ai kể chuyện trâu một sừng cho bọn nhỏ được nghe, được biết!".

Chúng tôi rời xã Tà Lài, rời Vườn quốc gia Cát Tiên, khi nắng chiều dần tắt. Đêm nay chẳng rõ trong giấc ngủ giữa rừng, liệu già làng K'Cân và những người giữ rừng ở Hạt Kiểm lâm Cát Tiên có gặp lại dáng hình của những con trâu một sừng ngày nào, để nghe chúng kể về nỗi đau bị tuyệt chủng oan vì chiếc sừng tai hại.



Hành trình tuyệt chủng của tê giác 1 sừng ở Vườn quốc gia Cát Tiên
Năm 1984, tại thượng nguồn suối Jung Bo ở xã Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, người ta phát hiện xác một con tê giác bị sát hại. 5 năm sau, tại huyện Bù Đăng (tỉnh Sông Bé cũ, nay thuộc địa phận tỉnh Bình Phước), họng súng tàn nhẫn của cánh phường săn lại khiến con "trâu một sừng" gục ngã…
Năm 1998, những tấm ảnh chụp được về 1 con tê giác nhờ kỹ thuật "bẫy ảnh" của các chuyên gia quốc tế tại Khu bảo tồn tê giác Cát Lộc (nay thuộc VQG Cát Tiên) đã mở ra nhiều hy vọng cho số phận của loài thú tưởng đã tuyệt chủng này. Đến tháng 4/2010, tại xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, xác một con tê giác bị cắt mất sừng lại được phát hiện. Qua nghiên cứu, các chuyên gia khẳng định đấy là con tê giác cuối cùng ở ViệtNam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét