Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Ngộ độc vì uống mật động vật

SGTT.VN - Sài Gòn Tiếp Thị ngày 21.9 đã đưa tin một người dân ở Bắc Ninh bị ngộ độc do uống mật gấu chữa đau lưng. Đây không phải là trường hợp hy hữu, vì thông tin từ các bệnh viện cho thấy từng xảy ra nhiều vụ ngộ độc liên quan đến nhiều loại mật chứ không riêng mật gấu.



TS.BS Phạm Duệ, giám đốc trung tâm Chống độc thuộc bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết đã tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp ngộ độc do nuốt mật rắn, mật bò tót, mật cá trắm, mật gà, mật cóc, mật heo, mật khỉ, mật rùa, mật ba ba... do tin vào các lời truyền miệng rằng mật có tác dụng tăng cường sinh lực, chữa trị một số bệnh huyết áp, yếu sinh lý, tiểu đường, gút, hen phế quản, đau lưng, viêm đại tràng… và cả ung thư! Có người nhập viện trong tình trạng đã vàng da, suy gan, suy thận nặng. Có trường hợp tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. “Cần phải cảnh báo để người dân biết hiện chưa có tài liệu hay nghiên cứu khoa học nào cho thấy uống mật loài vật có tác dụng tốt cho sức khoẻ. Những trường hợp kể mình khỏi bệnh nhờ nuốt mật con này con kia đều là tự nói, chưa có kiểm chứng. Trong khi đó, những tác hại do nuốt các loại mật thì chúng tôi đã gặp rất nhiều”, BS Duệ nói. Đó là chưa nói, lợi dụng sự ngây thơ của nhiều người trong tìm mua mật của một số loài thú quý như gấu, bò tót... đã xuất hiện mật giả: túi mật được bơm hợp chất giống như mật.

BS Nguyễn Xuân Hướng, thầy thuốc nhân dân, chủ tịch hội Đông y Việt Nam kể, trong cuộc đời làm nghề thầy thuốc của mình ông đã tiếp nhận điều trị không biết bao nhiêu trường hợp ngộ độc do uống, nuốt mật, trong đó có cả một đồng nghiệp làm ở bệnh viện y học cổ truyền phía Bắc, sau khi uống rượu pha mật gấu đã bị nám đen người, móng rụng dần... Một trường hợp đáng tiếc khác là một giám đốc sở đã thiệt mạng khi vừa nhập viện do trước đó được bạn bè đãi rượu pha mật gấu. “Trong đông y, mật gấu chỉ được sử dụng với tỷ lệ rất ít vào một số loại thuốc viên để uống, chứ không bao giờ uống nguyên mật. Đông y chỉ công nhận giá trị của mật gấu ở việc xoa bóp bên ngoài khi bị tổn thương phần mềm và tụ máu. Với các loại mật khác, hầu như không có phương thuốc nào khuyến khích uống sống hay nuốt sống...”, BS Hướng nói.

Mọi chất mật đều chứa độc tố

TS.DS Đào Đại Cường, giảng viên khoa dược đại học Y dược TP.HCM, cho biết mọi chất mật đều có chứa độc tố. Dịch mật giúp tiêu hoá thức ăn, loài vật ăn gì thì thành phần cấu tạo của mật sẽ có những chất để tiêu hoá thức ăn đó. Dịch mật người khác dịch mật của loài vật. Chính vì thế khi uống mật, phải chú ý đến độ thích ứng của cơ thể với các chất có trong mật. Nếu sử dụng không đúng sẽ dẫn đến ngộ độc, thậm chí chết người. “Chưa kể đường dẫn mật thông với ruột, nơi chứa rất nhiều vi khuẩn. Nếu mật bị nhiễm khuẩn, uống sống cũng có nghĩa đã đưa mầm bệnh vào cơ thể...”, DS Cường lưu ý.

Theo BS Duệ, trong quá trình hoạt động sinh học, mật trong cơ thể các con vật chỉ tiết ra một lượng nhỏ vừa đủ để tiêu hoá thức ăn. Nếu bổ sung thêm từ bên ngoài một lượng mật khác sẽ làm cho lượng mật trong cơ thể tăng cao hơn mức bình thường và dễ gây ngộ độc, bởi trong mật có chứa axít. Ngoài ra, trong mật có muối kim loại, muối mật. Khi xuống thận, thận sẽ phải làm việc rất mệt mỏi để lọc các muối này. Nếu chức năng thận kém, muối mật, muối kim loại sẽ tích tụ lại gây viêm cầu thận, bể thận, hoặc lâu dài gây ra sỏi thận. Chưa kể trong một số loại mật còn có độc chất, như trong mật cá trắm có độc tố cyprinolsylfate, chất alcol steroid (5a-cyprinol), khi vào dạ dày, máu sẽ đi tới gan, thận gây suy gan, suy thận cấp; trong mật gấu chó, mật vịt có axít chenodeoxycholic gây viêm gan, xơ gan…; trong mật cóc có độc tố bufotoxin, catecholamin, indolealkylamin... “Trong cơ thể mỗi người đều đã có mật, thông thường mật này đủ để đảm đương hoạt động tiêu hoá thức ăn hàng ngày, do đó đưa thêm lượng mật bên ngoài vào là không cần thiết”, BS Duệ nhấn mạnh.

Lê Hương – Duy Nhân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét