Sau một loạt các bài báo liên quan đến thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư, đã có nhiều phản ánh của bạn đọc rằng các tờ báo có xu hướng "chống" xây dựng thủy điện trong vườn Quốc gia Cát Tiên và một số báo khác thì ngược lại.
Vậy sự thật nằm ở đâu trong hai luồng thông tin trái chiều này?
Vì lợi ích dân hay lợi ích doanh nghiệp?
Đó là vấn đề của ông Lâm Đình Uy, chuyên viên khoa học môi trường thuộc Trung tâm Đa dạng sinh học và phát triển đặt ra xoay quanh hai dự án thủy điện. Theo ông Uy, việc khảo sát các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án thủy điện là hết sức quan trọng. Bởi đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội... của họ có thể sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp một cách nghiêm trọng.
Đặc biệt, đa số các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện đều là người Châu Mạ. Việc thay đổi môi trường sống quen thuộc của người dân tộc cũng đồng nghĩa với "giết chết" bản sắc văn hóa của dân tộc ấy. "Họ đã làm 29 phiếu khảo sát ý kiến các hộ dân ở đây nhưng sau khi xem xét kỹ các phiếu này, tôi thấy có rất nhiều vấn đề.
Khi người ta làm khảo sát kiểu đối phó, lợi ích cộng đồng sẽ bị bỏ qua và hậu quả có xảy ra thì cộng đồng ấy bị ảnh hưởng chứ không phải lợi ích doanh nghiệp."- ông Uy nói.
Trong cả hai tập phụ lục báo cáo đánh giá tác động môi trường (là hạt nhân cơ bản xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường- ĐTM) đều có chung 29 phiếu khảo sát. Điều này thể hiện việc chủ đầu tư không hề có điều tra nghiêm túc về khu vực dân cư bị ảnh hưởng bởi dự án của mình.
Trong 29 phiếu khảo sát đó, có phiếu được xác nhận của chính quyền địa phương, có phiếu không (không có giá trị). Có nhiều phiếu không có ghi ngày tháng thực hiện và thậm chí có phiếu ghi sai địa chỉ cư ngụ người được khảo sát.
Mặt khác, nội dung các phiếu khảo sát này được nhiều nhà khoa học đặt câu hỏi khi nhiều nội dung liên quan đến việc di dời, đền bù giải phóng mặt bằng vốn không có trong dự án lại xuất hiện trong phiếu khảo sát... "Nhiều phiếu không có chút giá trị tham khảo nào vẫn được xuất hiện trong phục lục thì thực sự là thiếu trách nhiệm."- ông Uy kết luận.
Một vấn đề lớn khác, những thửa ruộng sát sông mang tính chất gieo trồng tự nhiên của người Châu Mạ, M'Nông sẽ không còn nữa, nên họ phải phá rừng để làm rẫy- một áp lực lớn đối với việc bảo tồn rừng nguyên sinh.
Nguồn cá có được từ đánh bắt cá bằng phương pháp thủ công cũng là nguồn thực phẩm giúp họ tồn tại cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cá sẽ không thể ngược dòng nước để sinh sản.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh các thủy điện trước đó trên sông Đồng Nai đã khiến cá tôm sông Đồng Nai giảm nghiêm trọng về số lượng lẫn chất lượng, nhiều loài thậm chí đã biến mất. Đời sống người dân Châu Mạ, M'Nông vốn đã khó khăn và sẽ càng khó khăn hơn...
Đứng bên cạnh một cây cổ thụ bị đốn hạ, một nhà khoa học đã cảm thán: "Thế này mà người ta dám nói là rừng nghèo ư?"
|
"Lắm bất ổn, giầu rủi ro"
Trước mặt rất nhiều nhà báo và các nhà khoa học, một thành viên đại diện của tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐL-GL) khẳng định: "Ai có tâm, có tầm, có tài khi đọc bản ĐTM final (tạm dịch: cuối cùng- PV) của chúng tôi sẽ rất tán thành cho dự án triển khai!".
Các thành viên còn lại cũng khẳng định bản ĐTM mà Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam thực hiện không phải là bản hoàn chỉnh nên mới bị hiểu nhầm là "sao chép"(?) Theo họ, bản ĐTM hoàn chỉnh phải có chữ ký của ông Nguyễn Đình Trạc, Tổng Giám đốc tập đoàn ĐL- GL.
Ngay từ khi đối chiếu hồ sơ, người viết đã phát hiện có sự không minh bạch khi kết quả nghiên cứu dành cho dự án thủy điện Đồng Nai 6 lại ghi thành 6A. Những nội dung điều tra, nghiên cứu, các văn bản liên quan của cả hai dự án giống nhau đến đáng ngờ nhưng lại không có sự phân chia vùng nghiên cứu cụ thể.
Những phiếu điều tra không có chút giá trị nào đã được đưa vào để làm dày hồ sơ cho hai dự án thủy điện
|
Điều này chứng tỏ bản ĐTM thứ 2 cuối cùng của tập đoàn ĐL-GL vẫn được thực hiện theo hình thức sao chép nhau, bởi nghiên cứu tác động môi trường của hai dự án ở vị trí khác nhau không thể làm chung được.
Ông Vũ Ngọc Long, Viện phó Viện Sinh học nhiệt đới cho biết ông đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ cuối cùng (có chữ ký Tổng Giám đốc ĐL-GL) của hai dự án và phát hiện rất nhiều biểu hiện thiếu minh bạch của hai bản phụ lục lẫn hai bản ĐTM của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Nhiều công văn lặp lại nhiều lần với các biểu hiện trùng số, trùng ngày, trùng người ký như là một thủ thuật văn bản để làm đầy đặn hồ sơ. Nếu chủ đầu tư nói có lỗi do quá trình photo thì không biết họ sẽ giải thích ra sao khi các công văn trùng lặp ấy được viết bởi những chữ viết, con số, chữ ký khác nhau?
Mặt khác, những công căn không có số, ngày tháng phát hành mà chỉ có con dấu, chữ ký thì không biết những người ký công văn thuộc cơ quan Nhà nước nghĩ gì khi đặt bút?
Qua các hồ sơ văn bản liên quan đến hai dự án này thì rõ ràng tính pháp lý lẫn tính khoa học đều bất ổn. Hai dự án được các nhà khoa học đánh giá là "lắm bất ổn, giàu rủi ro" này nếu được thông qua thì khác nào một thảm họa cho vườn Quốc gia Cát Tiên nói riêng và thảm họa cho môi trường nói chung.
|
Ngay chính trong hai bản ĐTM, chủ đầu tư khẳng định sẽ có cuộc đối thoại với người dân dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương và biên bản cuộc đối thoại này sẽ được đưa vào ĐTM. Tuy nhiên, dù xem kỹ đến từng trang của hai tập phụ lục và hai bản ĐTM vẫn không thấy biên bản ấy đâu? Điều kỳ lạ là trong tập phụ lục của dự án Đồng Nai 6 lại có văn bản của dự án Đồng Nai 6A(!)
Số phận của 370 hec ta vườn quốc gia Cát Tiên và quần thể di sản của nó, số phận của nhiều hộ đồng bào dân tộc Châu Mạ, M'Nông vẫn phải chờ Quốc hội xem xét lại các vấn đề của hai dự án thủy điện.
Tuy nhiên, qua các hồ sơ văn bản liên quan đến hai dự án này thì rõ ràng tính pháp lý lẫn tính khoa học đều bất ổn. Hai dự án được các nhà khoa học đánh giá là "lắm bất ổn, giàu rủi ro" này nếu được thông qua thì khác nào một thảm họa cho vườn Quốc gia Cát Tiên nói riêng và thảm họa cho môi trường nói chung.
(còn tiếp)
Thủ thuật văn bản quá lỗ liễu!
Đó là nhận xét của ông Vũ Ngọc Long. Theo ông, hai phụ lục ĐTM của hai dự án Đồng Nai 6 và 6A luôn xuất hiện trình trạng trùng văn bản. Ví dụ: Văn bản số 07 ngày 26.2.2010 của UBND xã Đồng Nai được lặp lại 3 lần, trong đó một lần có số công văn, hai lần không và một lần không có chữ ký của Chủ tịch UBND xã Đồng Nai.
Công văn số 09 cũng vào ngày 26.2.2010 của UB Mặt trận Tổ quốc xã Đồng Nai cũng lặp lại y chang nhau 3 lần. Công văn số 01 ngày 9.4.2010 của UBND xã Hưng Bình cũng lặp lại 3 lần, nhưng hài hước hơn là chữ viết, con số, chữ ký chủ tịch xã của 2/3 văn bản giống nhau, nhưng văn bản còn lại thì khác(?)
Tình trạng trùng lặp, sai văn bản còn lặp lại nhiều lần đối với các văn bản của UBND và UB Mặt trận Tổ quốc xã Phước Cát 2, UBND và UB Mặt trận Tổ quốc xã Đồng Nai Thượng.
|
theo tuanietnam.vietnamnet.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét