Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Không nên cắt bớt rừng đặc dụng để làm du lịch

Ngày 28-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị quốc gia triển khai Nghị định 117/NĐ-CP về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.
   
  Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 2,2 triệu ha rừng đặc dụng tại 30 Vườn quốc gia, 69 khu Bảo tồn thiên nhiên, 45 khu Bảo vệ cảnh quan và 20 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học.
     Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Thụ, Chủ tịch Hội các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, hiện nay tại nhiều tỉnh đang diễn ra tình trạng cắt bớt rừng đặc dụng để làm du lịch sinh thái. Điển hình cho tình trạng này có thể kể đến Bái Tử Long (Quảng Ninh), Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận)…
     Còn theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hà Công Tuấn nhận định, cần tránh trình trạng lạm dụng chủ trương cải tạo rừng để chặt lấy gỗ, trồng rừng khác có giá trị không cao. Nhiều nơi đã xảy ra việc lợi dụng chủ trương này để mua bán, sang nhượng đất

Theo www.khuyennongtphcm.com

Mô hình phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng của Tà Lài


Dự án phát triển du lịch sinh thái vườn quốc gia Cát Tiên (2009 – 2011) do Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF - Đan Mạch và WWF Việt Nam đồng tài trợ nhằm tạo sinh kế cho người dân địa phương phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với việc bảo vệ vườn quốc gia Cát Tiên.

Một trong những hợp phần chính của dự án xây dựng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở xã Tà Lài với các cộng đồng dân tộc thiểu số người Mạ và Stiêng ở ấp 4 và người Tày ở ấp 7.
Dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng phục vụ du lịch như biểu diễn cồng chiêng, múa hát dân tộc, hướng dẫn, lễ tân – phục vụ buồng, nấu ăn; tổ chức các đợt tham quan, học tập ở Đạm bri, Đa ra hoa (Núi Voi) ở Lâm Đồng; tham gia hội chợ hàng dệt thổ cẩm ở Hà Nội; tổ chức các lớp nâng cao nhận thức và năng lực cho Ban quản lý du lịch cộng đồng xã Tà Lài và Ban đại diện du lịch cộng đồng các ấp 4 và ấp 7. Thông qua những lớp tập huấn, tham quan này, dự án đã giúp cho đồng bào dân tộc hiểu biết và tự tin hơn để khai thác du lịch cộng đồng ở Tà Lài giúp nâng cao đời sống của người dân địa phương”.


                 
                                                                                                     Nhà dài tại Tà Lài - ảnh: Hồ Thị Thanh Thủy


Dự án khai thác những tiềm năng tự nhiên kết hợp với các yếu tố văn hóa địa phương để tạo ra những sản phẩm du lịch nhằm mang lại những nguồn lợi thiết thực đến cho cộng đồng. Nhà dài Tà Lài đã được xây dựng theo kiến trúc của người Mạ, nằm bên hồ Vàm Hô, nép mình bên cánh rừng nguyên sinh của vườn quốc gia Cát Tiên sẽ cung cấp dịch vụ lưu trú và là địa điểm tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng phục vụ cho du khách đến tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên và Tà Lài. Ông Trần Văn Thành, Giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên nói: “ Nhà dài cũng giúp cho việc giảm sức ép của du khách đến lưu trú tại Vườn quốc gia Cát Tiên trong những  mùa cao điểm”.
Đến với Tà Lài, du khách đến đây không những được đắm mình trong không gian yên tĩnh, thoáng mát của vùng đất lịch sử anh hùng mà còn được thưởng thức vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng tự nhiên bằng những tuyến mạo hiểm đi xuyên rừng; thưởng thức những bài hát, điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc; thưởng thức các món ăn mang đậm bản sắc của địa phương như lá nhíp, rượu cần; mua các sản phẩm dệt thổ cẩm làm quà lưu niệm được đan từ những đôi tay khéo léo của bả con dân tộc. Những nét chân chất, giàu kiến thức bản địa của người dân địa phương giúp du khách dễ hòa mình với cộng đồng, làm du khách vơi đi những lo toan, tính toán trong cuộc sống hiện nay.
Tuy nhiên, du lịch sinh thái cộng đồng mới chỉ đang bắt đầu. Hy vọng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng Tà Lài sẽ là mô hình hấp dẫn cho những du khách trong nước và quốc tế muốn được trải nghiệm với người dân địa phương ở Tà Lài.

Ảnh hai con voi rừng chết tại "thiên đường" Yok Đôn


Thanh Niên Online – 20 giờ trước

(TNO) Ngày 27.8, nhiếp ảnh gia Lê Văn Thao đã gửi đến Thanh Niên Online chùm ảnh về xác chết của 2 con voi rừng ở Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) - nơi vẫn được mệnh danh là "thiên đường cuối cùng" của loài voi.

Khả năng voi chết do bị đầu độc 
Đừng để đàn voi chết sớm

Trao đổi với PV Thanh Niên Online, nhiếp ảnh gia Lê Văn Thao kể lại: “Sau nhiều ngày lặn lội, chúng tôi thấy những dấu hiệu đàn voi tan rã, tản ra thành những toán nhỏ nên đành phải rút về buôn chờ với hy vọng đàn voi sẽ sớm tập hợp lại trong những ngày tới”.
Thế nhưng, tin dữ đã đến sau đó. Qua thông báo của người dân, ngày 26.8, nhiếp ảnh gia Lê Văn Thao đã tìm đến Vườn quốc gia Yok Đôn. "Tại tiểu khu 257, dưới cơn mưa tầm tã. Con voi đực bị vạt hết mặt, cắt vòi, đục hàm trên để lấy ngà”, ông Thao cho biết.
Trước đó, ông Thao cùng nhóm Enter Việt Nam đã ra một cuốn sách về  voi tại Yok Đôn có tên “Những người bạn lớn” với thông điệp: “Đừng để voi chỉ còn là ký ức".
Về vấn đề bảo tồn voi ở Tây Nguyên, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng từng lên tiếng cảnh báo: “Đừng để voi không còn nữa, để khi con cháu chúng ta làm phim về thời Hai Bà Trưng thì phải sang nước ngoài để thuê voi”. 

Hãi hùng hình ảnh cặp voi rừng bị tàn sát dã man


 Vụ 2 con voi rừng bất ngờ bị chết tại tiểu khu 257 - Vuờn Quốc gia Yok Đôn được người dân phát hiện hôm 25/8 khiến dư luận cả nước xôn xao và một lần nữa gióng lên hồi chuông về sự “tuyệt chủng” của đàn voi rừng Việt Nam.

Chuyến đi không trở về của voi

Vườn QG Yok Đôn là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích lớn nhất Việt Nam. Từ trục đường chính VQG Yok Đôn dẫn vào trạm kiểm lâm số 11, muốn đến được chỗ hai con voi bị giết phải  vượt hơn 5km đường rừng ngoằn nghèo, gồ ghề và băng qua 2 con suối chảy xiết bằng xe máy “độ” của kiểm lâm  nơi đây mới có thể đến hiện trường.

Khu vực phát hiện voi chết, được xác định tọa độ 48P 0789.227; UTM 144.6270 - thuộc khoảnh 7 - tiểu khu 257 - phạm vi quản lý trạm kiểm lâm số 11 - VQG Yok Đôn (nằm trên địa phận hành chính xã Ea Bung, huyện Ea Súp, Đắk Lắk). Đây cũng là vùng lõi, thuộc về phía bắc VQG Yok Đôn.
Vị trí 2 con voi rừng chết nhìn từ xa. 

Trưa 26/08, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục khẩn trương khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi voi chết. Lúc này, xác voi đang trong quá trình phân hủy, thối rữa cộng với nhiệt độ nắng trưa “dội xuống”, sau đó mưa rừng dầm dề, mùi hôi thối “xốc” lên nồng nặc.

Người ta phỏng đoán từ quan sát hiện trường và sự thối rữa xác voi, thời điểm 2 con voi rừng bị chết khoảng một tuần trở lại.

Chứng kiến cảnh 2 con voi rừng, một đực, một cái “to đùng” ước tính khối lượng lên đến hàng tấn, thân hình trương, nứt; trên mình xuất hiện nhiều vết mổ xẻ, một số bộ phận trên cơ thể voi mất đi; xác 2 con voi nằm ngổn ngang cách nhau khoảng 5m giữa rừng khiến nhiều người chứng kiến không khỏi xót xa.

Căn cứ dấu vết để lại trên thân hình, nhiều người phỏng đoán đây là vụ tàn sát voi rừng dã man đáng lên án. Bởi qua kiểm tra ban đầu của cơ quan chức năng, con voi đực bị đã bị xẻ lấy đi phần xương mặt, một đoạn vòi đã rơi ra khỏi phần xương mặt.

Ông Nguyễn Quốc Lập - Trạm trưởng trạm kiểm lâm số 11 - VQG Yok Đôn cho biết: 2 con voi rừng bị chết được người dân đi cắt cỏ, hái thuốc trong rừng phát hiện trưa ngày 25/8 (khoảng 10h45). Ngay sau đó họ thông báo cho lực lượng kiểm lâm của trạm.

Cũng theo vị trạm trưởng trạm kiểm lâm số 11, thời điểm này Đắk Lắk đang mùa mưa nên 2 con voi này có thể nằm trong số đàn voi từ Campuchia di trú về Yok Đôn (gồm khu vực huyện Ea Súp, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) để kiếm ăn các loại hoa màu, ngô, khoai, sắn… ở các vùng rừng đệm.

Nếu đúng như lời vị trạm trưởng trạm kiểm lâm số 11, thì chuyến đi của 2 con voi trên (nhiều khả năng là trong số đàn voi khoảng 30 con được lực lượng kiểm lâm VQG Yok Đôn vừa phát hiện trong tháng 8) là chuyến đi không trở về! Nhiều người ví von, đàn voi đó chắc “thất thanh”, một đi không trở lại…

“Voi chết có thể săn bắn để lấy ngà…”

Sau khi kết thúc sơ bộ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi vào trưa qua (26/8), theo nhận định bước đầu của Thượng tá Trần Mạnh Hiếu - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT công an huyện Ea Súp thì 2 con voi rừng bị chết tại tiểu khu 257 có dấu hiệu tác động từ ngoại lực, chứ không phải do bệnh mà chết.

Ông Hiếu nói: “Qua khám nghiệm hiện trường, chúng tôi thấy 2 con voi có vòi bị cắt rời ra có thể khẳng định rằng 2 con voi có dấu hiệu tác động từ ngoại lực nên chúng tôi sẽ tích cực điều tra làm rõ nguyên nhân voi chết…”.

Cũng theo Thượng tá Trần Mạnh Hiếu, sau khi nhận được thông tin có 2 con voi chết tại tiểu khu 257 - trạm kiểm lâm số 11 - VQG Yok Đôn, Cơ quan CSĐT huyện Ea Súp đã nhanh chóng trao đổi thông tin với Cơ quan CSĐT huyện Buôn Đôn, cùng với Công an tỉnh Đắk Lắk, VKS 2 huyện (Buôn Đôn và Ea Súp - PV), cùng VQG Yok Đôn thành lập lực lượng nhanh chóng điều tra, xác minh.
Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường. 

Cùng ngày, ông Trần Văn Thành - quyền Giám đốc VQG Yok Đôn cũng cho biết về nguyên nhân voi chết phải chờ kết quả điều tra, phân tích, xét nghiệm của khoa học hình sự.

Tuy nhiên, theo ông Thành, không loại trừ khả năng 2 coi voi rừng chết là do bị săn bắn để lấy ngà. Ông nói: “Những khu rừng này trong thời gian qua chúng tôi đã kiểm tra khá nghiêm ngặt, thường xuyên, tuy nhiên, khi lâm tặc đã cố tình đi săn bắn thì rất khó để ngăn chặn…”.

Vị quyền giám đốc VQG Yok Đôn cho biết thêm, hiện xác 2 con voi sẽ được lực lượng kiểm lâm của VQG Yok Đôn bảo vệ cho đến ngày bàn giao Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam. Đồng thời, vụ việc đã được báo cáo với cơ quan chủ quản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để có sự chỉ đạo, hỗ trợ tiếp theo.
Theo Thượng tá Trần Mạnh Hiếu - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT công an huyện Ea Súp thì 2 con voi rừng bị chết tại tiểu khu 257 có dấu hiệu tác động từ ngoại lực, chứ không phải do bệnh mà chết. 

Được biết, Đắk Lắk là một trong những tỉnh có số lượng đàn voi lớn nhất cả nước, khoảng hơn 140 con voi nhà lẫn voi rừng; trong đó voi rừng ở tỉnh này tập trung vào 3 khu vực chủ yếu phía Bắc - Tây bắc Ea Súp; VQG Yok Đôn và Tây bắc Ea H’leo. Trước đó, trong vòng một tuần (26/3-31/3/2012), tại địa bàn huyện Ea Súp, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện 3 con voi bị chết.

Trong số đó, có một con voi đực nặng khoảng 1,5 - 2 tấn đang trong quá trình phân hủy được phát hiện tại tiểu khu 238, xã Ea Bung, huyện Ea Súp. Phần ngà, đuôi, vòi, khúc chân bên trái và nhiều phần thân thể bị lấy mất, trong khi phần đầu voi bị đục tung.

Theo Dân Trí

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Đánh lãnh đạo vì bị thu hồi bằng cấp giả



Con phó giám đốc vườn quốc gia phá rừng
* Đánh lãnh đạo vì bị thu hồi bằng cấp
TT - Con trai ông Hồ Văn Cầu, phó giám đốc vườn quốc gia Yok Đôn (Buôn Đôn, Đắk Lắk), tham gia phá rừng tại hai tiểu khu 477 và 484 thuộc lâm phần của vườn quốc gia Yok Đôn hồi tháng 7-2012. Ông Đỗ Trọng Kim, phó cục trưởng Cục Kiểm lâm Bộ NN&PTNT, xác nhận ngày 23-8.
Theo đó, ông Huy (con trai ông Cầu) đã thừa nhận tham gia đốn hạ năm cây gỗ căm xe (chưa xác định được khối lượng) trong hai tiểu khu này.
Ông Kim cho biết trong ngày 23-8, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do ông làm trưởng đoàn cũng đã có chuyến đi thực tế tại hai tiểu khu 477 và 484 để kiểm tra thiệt hại tại đây, sau đó đoàn có buổi làm việc nội bộ với vườn quốc gia Yok Đôn.
* Ông Trần Văn Thành - quyền giám đốc vườn quốc gia Yok Đôn - xác nhận việc ông Nguyễn Hữu Vũ - phó giám đốc Trung tâm du lịch vườn quốc gia Yok Đôn - đánh gãy xương gò má ông Hoàng Văn Xuân - phó giám đốc vườn quốc gia Yok Đôn kiêm giám đốc Trung tâm du lịch vườn quốc gia Yok Đôn - ngày 22-8.
Theo ông Xuân, hết giờ làm việc trưa 22-8, ông lên phòng nghỉ thì ông Vũ chạy lên to tiếng, phản đối về việc bị thông báo sẽ thu hồi bằng trung cấp lâm nghiệp. Sau đó ông Vũ bất ngờ đánh vào mặt ông Xuân khiến ông bị gãy xương gò má.
Trước đó, năm 2010, ông Vũ bị phát hiện sử dụng bằng THCS giả để dự thi vào Trường trung học Lâm nghiệp số 2 (nay là ĐH Lâm nghiệp VN cơ sở 2 - Trảng Bom, Đồng Nai). Vườn quốc gia Yok Đôn đã họp kỷ luật cách hết chức vụ trong Đảng nhưng vẫn cho ông Vũ làm việc tại trung tâm du lịch của vườn. Vừa qua, vườn quốc gia Yok Đôn lại nhận được thông báo của Trường ĐH Lâm nghiệp về việc phải thu hồi bằng trung cấp của ông Vũ.

Phá rừng ở Miền trung Việt Nam


Sẽ xử lý nghiêm đối tượng phá rừng tại vườn Quốc gia Yok Đôn

Những cây gỗ giáng hương khổng lồ bị chặt tại vườn quốc gia Yok Đôn (Ảnh: LĐ)
(VOV) - Từ tháng 7 tới nay, lực lượng kiểm lâm đã kiểm tra và phát hiện nhiều vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng.
Đoàn kiểm tra liên ngành, do Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Đỗ Trọng Kim dẫn đầu đang kiểm tra tại Vườn Quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk để xác minh về tình trạng phá rừng để báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Trước đó, dư luận phản ánh xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng tại tiểu khu 477 và 484. 
Sơ bộ kiểm tra ban đầu tại hai tiểu khu này, đoàn kiểm tra phát hiện 29 cây gỗ căm xe cổ thụ bị đốn hạ, với khối lượng gỗ ước gần 20m3, trong đó lâm tặc đã lấy đi hơn 6m3. Trong đợt này, đoàn cũng trực tiếp tới kiểm tra, làm việc tại tất cả các trạm, chốt và làm việc với Ban quản lý vườn Quốc gia Yok Đôn.
Ông Đỗ Trọng Kim cho biết, từ tháng 7 tới nay, lực lượng kiểm lâm đã kiểm tra và phát hiện nhiều vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng. Đến thời điểm này, tình trạng phá rừng tại Vườn Quốc gia Yok Đôn đã giảm hẳn và cơ bản đã quản lý được các diện tích rừng.
Tuy nhiên đối với những vụ việc đã xảy ra, quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là phải xử lý nghiêm minh với người vi phạm kể cả đó là nhân viên kiểm lâm./.
Nguyên Nhung/VOV-Trung tâm tin

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Người đàn ông làm bà đỡ cho voi


Người đàn ông làm 'bà đỡ' cho voi

Người đàn ông làm 'bà đỡ' cho voi

Trong khi mọi người lo lắng chỉ 10 năm nữa loài voi ở Việt Nam sẽ tuyệt chủng thì ông lại nuôi và giúp loài vật này thụ thai, sinh đẻ…

"Bà đỡ" này là Điểu Cước (55 tuổi) ở ấp Sơn Lang, xã Phú Sơn (Bù Đăng, Bình Phước). Dòng họ nhà ông có nghề nuôi và thuần dưỡng voi gia truyền, trước ở Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk), sau chuyển xuống buôn Đăng Long (Đăk Nông).
Điểu Cước kể, ngày xưa khi núi rừng còn dày, người dân Ê Đê ở Đăk Lăk nuôi voi như nuôi trâu. Ngày đó nhiều nhà có 5-10 con voi là chuyện bình thường. Voi và người là bạn, quấn quýt yêu mến nhau. Loài voi rất thông minh và chung thủy, biết ai là chủ nó. "Đi thồ hàng xa chủ lâu ngày, gặp lại là nó vươn vòi, hú lên những tiếng nghe rất thân thiện, mắt nó long lanh như có nước mắt", ông kể.
Gặp người chủ tốt bụng, voi phục vụ tận tình, gặp người chủ hà khắc, voi vẫn nhẫn nại. Kể cả voi hoang dã cũng rất hiền với người. Khi đang đi trong rừng, biết có hơi người là cả đàn tránh xa. Voi chỉ tấn công người khi nó linh cảm là sẽ bị người đó tấn công.
Tình yêu thương voi của Điểu Cước được di truyền từ ông nội và cha bởi từ nhỏ ông đã cùng cha và nội cưỡi voi, tắm voi, cho voi ăn hàng ngày. Những món mà voi thích nhà ông luôn luôn có. Ngoài việc cho ăn đủ vài tạ cỏ mỗi ngày, những con voi làm tốt công việc đều được thưởng chuối cây, chuối chín, mía, và một món mà voi rất thích đó là bã hèm rượu.
Nhiều năm nuôi voi, quan sát từng miếng ăn, từng động thái, cử chỉ, ông biết được con vật khi nào buồn vui, khi nào phật ý. Trong khi báo cáo của các chuyên gia về bảo tồn động vật hoang dã cho rằng, từ năm 1980 đến nay voi nhà không đẻ, thì tại vùng đất Bù Đăng, voi của gia đình, họ hàng ông Điểu Cước đã đẻ đến 4 con.
Ông còn nhớ rất rõ, năm 1980, con voi cái của nhà cậu ông là Điểu Mruch sinh ra một voi đực. Năm 1990, voi đó lại đẻ tiếp một voi con nữa, lần này là cái. Hiện, hai con voi đã trưởng thành, góp thêm cho sự đông đúc của đàn voi nhà họ hàng Điểu Cước.
Hai con voi này của Điểu Cước được bán cho một khu du lịch. Ảnh: ANTG.
Hai con voi này của Điểu Cước được bán cho một khu du lịch. Ảnh: ANTG.
Ngay khi voi của ông Điểu Mruch đẻ con voi thứ hai, Điểu Cước nghĩ đến chuyện cho voi nhà mình sinh đẻ. Ông lên huyện Đắk Min, mượn con voi đực của người cô, đưa vào rừng, chọn nơi có nhiều trảng cỏ xanh làm thức ăn đủ trong nhiều ngày, phía trên là tán cây rộng, kế bên có suối nước mát, thả voi ở đó.
Một tháng sau trở vào, thấy voi nhận ra chủ và tinh thần thoải mái, Điểu Cước biết ngay chúng đã là bạn tình của nhau. Chỉ tháng sau đó, ông thấy voi cái đã có sự thay đổi, 3 tháng đã thấy bụng to lên. Đúng 2 năm kể từ ngày lùa voi vào rừng, con voi cái nhà ông đã sinh một chú voi con. Rồi chỉ 10 năm sau đó, niềm vui lại đến với Điểu Cước, khi ông tiếp tục cho voi sinh đẻ thành công lần thứ hai.
Kể về con voi thứ hai, Điểu Cước cho biết, không giống sinh con thứ nhất, đã hai năm trôi qua, nhưng voi cái vẫn chưa sinh. Phải mất cả nửa năm sau, con voi mới đẻ một con voi đực. "Té ra, voi chửa con cái thì 2 năm, mà chửa con đực tới 30 tháng", Điểu Cước nói.
Voi đực mọc ngà rất nhanh, 5 năm sau ngà đã to như bắp chân Điểu Cước. Ông bắt đầu luyện nó đi, đứng, quỳ, vươn vòi vác đồ đặt lên lưng, nhất nhất làm theo ý chủ. Đến khi voi biết nghe lời và làm theo một cách thuần thục, thì cũng là lúc ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ Công ty Du lịch Đại Nam (Bình Dương) tìm đến. Ban đầu, ông Điểu Cước cho thuê, nhưng sau nhiều lần được đề nghị, ông đồng ý bán cả hai mẹ con voi.
Voi Việt Nam được xếp vào nhóm 1B, động vật cần bảo vệ nghiêm ngặt. Mới năm 2010 người ta lo âu chỉ trong vòng 20 năm nữa Đăk Lăk sẽ sạch bóng đàn voi nhà, thì nay nguy cơ đó rút xuống còn 10 năm.
Một dự án đồ sộ với 61 tỷ đồng bảo tồn voi Đăk Lăk đã được duyệt nhưng 6 năm qua, không những không có con voi nào được sinh ra thêm, mà voi rừng, voi nhà Tây Nguyên tiếp tục suy giảm.
Điểu Cước giải thích rằng, khi mang thai, do cái bụng quá to, con voi không thể quỳ xuống cho người ta chất hàng được. Ở khu du lịch Buôn Đôn, thủ phủ voi Tây Nguyên, mỗi giờ cưỡi voi đi dạo chơi, khách du lịch trả 500.000 đồng. Nếu cho voi đẻ thì phải mất 3-5 năm voi không làm việc được. Người ta đã khai thác con voi đến kiệt sức.
Một thực tế nữa cũng khiến voi "không thể đẻ nổi" chính là môi trường, voi mất đi khả năng tự nhiên, và khi rừng mất chúng không còn không gian để kết bạn, để giao phối. Ngay cả vua voi Đàn Năng Long ở hồ Lắk (thuộc huyện Lắk, tỉnh Đăk Lăk) sở hữu 4 voi đực và 5 voi cái, nói rằng từ năm 1992 đến nay ông đã làm nhiều cách mà đàn voi nhà ông vẫn không đẻ thêm được con voi nào.
Điểu Cước lại cho rằng ngoài một vài "kỹ thuật" cũng không quá khó thì việc cho voi đẻ phụ thuộc vào ý muốn, tính toán của con người. "Người ta muốn lấy được tiền trước mắt thôi, chớ để cho voi đẻ và bán được thì lâu quá". Điểu Cước nói, trước đây chính ông cũng từng có suy nghĩ đó, và nay ông đã nghĩ lại, sẽ tính đến chuyện cho voi sinh đẻ nhiều hơn.
Ngoài 4 con voi đã bán cho Khu du lịch Suối Tiên, 2 con cho Khu du lịch Đầm Sen, hai mẹ con voi bán cho Đại Nam, hiện nhà ông còn 3 con voi cái. Ông đang tính mua lại con voi đực của người cô ở Đắk Min đưa về làm giống cho đàn voi nhà sinh sản. Điểu Cước dự định trong năm nay hoặc năm tới, sẽ cho voi giao phối và hy vọng sau 3 năm, đàn voi nhà ông sẽ có thêm ít nhất 2 con.
An ninh thế giới