Ký ức loài tê giác - Kỳ cuối: Tê giác Java trong vòng bảo vệ
TT - Có rất nhiều yếu tố dẫn tới sự tuyệt chủng của tê giác Java, trong đó nạn săn bắn trộm và bị mất nơi ở do con người lấn chiếm được xem là các đe dọa cực kỳ lớn.
Nhưng ở Indonesia, nơi duy nhất trên thế giới có một cụm tê giác Java một sừng duy nhất quần cư, chúng lại khá an toàn trước hai nguy cơ này, cho dù vẫn còn những đe dọa khác.
Hai mẹ con tê giác tại vườn quốc gia Ujung Kulon chụp bằng bẫy ảnh - Nguồn: Vườn quốc gia Ujung Kulon và WWF |
>> Việt Nam đã mất con tê giác cuối cùng
>> Kỳ 1: Từng chung sống hiền hòa
>> Kỳ 2: Từ dấu chân đến hình ảnh
>> Kỳ 3: Cái chết được báo trước
>> Kỳ 1: Từng chung sống hiền hòa
>> Kỳ 2: Từ dấu chân đến hình ảnh
>> Kỳ 3: Cái chết được báo trước
Sống gần núi lửa
Theo thông tin từ vườn quốc gia Ujung Kulon (địa đầu phía tây của đảo Java, Indonesia), số lượng tê giác Java sống ở đây theo ước tính năm 2009 là 38-54 con. Trước những đe dọa tới sự tồn tại của loài này, các nỗ lực bảo tồn bắt đầu từ năm 1999 với sự hoạt động của ba đơn vị bảo tồn tê giác, dưới sự điều hành của Chương trình bảo tồn tê giác Indonesia cho đến năm 2006. Rồi bắt đầu từ năm 2007, ba tổ chức được điều hành bởi Quỹ tê giác Indonesia YABI bắt đầu hoạt động.
Hiện nay có bốn đơn vị bảo tồn tê giác ở đây, mỗi nơi phụ trách một nhiệm vụ, với sự hỗ trợ của Quỹ tê giác quốc tế (IRF).
Tê giác Java được tìm thấy ở vườn quốc gia Ujung Kulon rộng 122.956ha. Chúng sinh sống ở một lãnh địa rộng 40.000ha. Điều đặc biệt là lãnh địa này nằm trên bán đảo cao hơn 10m so với mực nước biển, cách núi lửa Anak Gunung Krakatau khoảng 50km, và ngọn núi lửa này vẫn đang hoạt động.
Vì số lượng cá thể rất nhỏ, lại sống co cụm một chỗ, nên tính đa dạng gen không có và rất yếu ớt trước bất kỳ đe dọa thiên nhiên nào. Thật không ai dám hình dung một khi có thảm họa như dịch bệnh hay sóng thần do động đất (mà Indonesia lại là nơi dễ bị động đất), vì khi đó tê giác Java sẽ biến mất trên hành tinh!
Tê giác Java được xem là loài ít được nghiên cứu trực tiếp nhất vì độ hiếm cũng như sự bảo vệ cần thiết an toàn cho chúng. Đến nay, rất ít thông tin được biết về chuyện sinh đẻ của loài tê giác Java vì chúng không bao giờ đẻ khi được nuôi nhốt. Không những thế, chúng còn rất lâu mới đẻ một lần.
Người ta tin rằng con cái đến tuổi sinh đẻ khi được 5-6 tuổi, con đực là 10 tuổi. Thời gian yêu đương của loài này từ khoảng tháng 7-10 hằng năm và thời gian thai nghén không được biết rõ, nhưng có thể mất tới 16 tháng. Tê giác Java sinh sản trễ hơn, lại thưa hơn lũ bò rừng Java trong khu vực này, nên tất nhiên chúng bị lũ bò ngày càng lấn át về số lượng. Cây cọ arenga mọc chiếm đa số khu vực sinh sống của loài này trong rừng quốc gia.
Hiện khoảng 60% (18.000ha) phần sinh sống của tê giác là có cây cọ arenga bao phủ và áp đảo sự tăng trưởng của thức ăn phù hợp với loài tê giác. Nếu cây cọ arenga lấn lướt thì không có cây gì có thể lớn được và dĩ nhiên thức ăn cho tê giác cũng bị ít đi. Đây sẽ là mối lo ngại lớn của những nhà làm bảo tồn.
Tăng trưởng âm!
Chính phủ Indonesia rất quan tâm tới tình hình loài tê giác Java. Chiến lược và Chương trình Hành động bảo tồn tê giác ở Indonesia năm 2007-2017 đã được thông qua, với ba mục tiêu ngắn hạn là: duy trì và mở rộng số lượng cá thể thêm 20% ở tự nhiên; hình thành một cụm quần cư mới ở nơi khác bằng cách đưa chúng tới nơi đó, trong khi vẫn đảm bảo sự an toàn cho chúng, lãnh địa mới phải lớn hơn 400.000ha; thành lập một khu vực bảo tồn tê giác Java khác để hỗ trợ chương trình hiện nay.
Dựa trên chương trình này, hiện vườn quốc gia và Quỹ tê giác Indonesia đã thành lập khu vực nghiên cứu và bảo tồn tê giác Java. Ngoài ra, còn có cơ quan theo dõi và kiểm soát số lượng hiện nay của chúng.
Tê giác Java một sừng có thể là loài vật có vú lớn nhất hiếm nhất trên hành tinh trong số các phân loài tê giác. Vòng đời của loài này không được biết rõ, nhưng khoảng 30-40 năm. Ngày nay, rất ít tê giác có thể sống được ở bên ngoài rừng quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc Quỹ bảo tồn tê giác Java Widodo Ramono cho biết từ giữa những năm 1960 tới đầu những năm 1980, số tê giác Java tăng rất chậm, từ con số rất nhỏ, chỉ khoảng 60 con. Cho đến đầu những năm 1990, tình hình rất xấu, do số lượng cá thể lại giảm đi và đến nay chỉ còn khoảng 50 con. Bởi vậy, các chuyên gia nghiên cứu ở Indonesia cho rằng số lượng tăng trưởng dân số của chúng là âm 0,7%/ năm! Nếu cứ đà này, lượng tê giác Java sẽ chỉ còn tồn tại đến cuối thế kỷ 21.
Người ta hầu như không nghe thấy chuyện tê giác Java một sừng bị bắn trộm ở Indonesia mà chúng thường bị chết vì những nguyên nhân tự nhiên. Việc săn bắn trộm tê giác Java đã bị nhà chức trách Indonesia đưa vào vòng kiểm soát vào cuối những năm 1990, chủ yếu nhờ việc thành lập các đơn vị bảo vệ ở hiện trường để kiểm soát.
Tuy nhiên, theo Quỹ bảo tồn tê giác Indonesia, vẫn còn những đe dọa tiềm năng và phải tiếp tục tăng cường cảnh giác. Thực tế người ta không ghi nhận có trường hợp săn bắn tê giác trộm nào từ cuối những năm 1990 ở đây. Nhưng nếu không gặp nguy cơ từ người, tê giác Java lại gặp mối đe dọa mới từ việc mực nước biển gia tăng do sự ấm nóng lên của toàn cầu.
Nhu cầu thị trường làm tăng nạn săn bắn trộm
Theo WWF, vào ngày 19-4-2011, bộ phim tài liệu Horn of Africa (Sừng của châu Phi) do Dan Rather thực hiện chiếu tại truyền hình Mỹ và Canada đã mô tả chi tiết về đường đi của sừng tê giác và thực tế này đã khiến nạn săn bắn trộm tê giác ở Bắc Phi bùng phát như thế nào.
Thông tin từ bộ phim này cho biết từ năm 2000-2007, mỗi năm Nam Phi chứng kiến trung bình 12 con tê giác bị sát hại. Con số năm 2008 là 78 con và 2010 là 333 con! Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2011 đã có hơn 80 con bị giết. Đến tháng 9-2011, Nam Phi mất hơn 287 con tê giác, trong đó có 16 con tê giác đen thuộc phân loài có nguy cơ tuyệt chủng!
Các chính phủ châu Phi và châu Á đang được thúc giục hợp tác cùng nhau để phá vỡ mạng lưới buôn bán vận chuyển trái phép các động vật quý hiếm, hoang dã và đưa những kẻ phạm tội ra trước tòa án. Thị trường vẫn còn những kẻ khát khao sở hữu sừng tê giác và ngà voi, đây chính là điểm mấu chốt phá hủy di sản thiên nhiên của châu Phi, và các tổ chức quốc tế đang muốn thị trường đen này ở châu Á đóng cửa vĩnh viễn.
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét