Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Thông qua Nghị quyết hoàn thành trồng mới 5 triệu ha rừng

tienphongonline

TP - Chiều qua (25-11) với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thúc đẩy việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia và hằng năm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện; bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, tăng độ che phủ và nâng cao chất lượng rừng. Có giải pháp tổng thể giải quyết tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng...

N.T

Giải cứu kiểm lâm bị lâm tặc bắt cóc, tống tiền ở Quảng Bình

Giải cứu kiểm lâm bị lâm tặc bắt cóc, tống tiền

Chín đối tượng trang bị hung khí bất ngờ lao vào tấn công năm kiểm lâm đang làm nhiệm vụ. Sau một giờ chống cự, ba kiểm lâm bị bắt giữ đưa sâu vào trong rừng. Bọn chúng hành hung những người bị bắt sau đó thả một người về lấy tiền chuộc hai đồng nghiệp...

Kiểm lâm viên Hoàng Văn Quế được cấp cứu và điều trị tại BV Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới Quảng Bình
Kiểm lâm viên Hoàng Văn Quế được cấp cứu và điều trị tại BV Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới Quảng Bình. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Sáng 28-7, anh Hoàng Văn Quế, (sinh 1983, Hạt Kiểm lâm Phong Nha- Kẻ Bàng- thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng-Quảng Bình), đã được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện VN - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình). Anh Quế bị vỡ xương bánh chè chân trái và nhiều vết thương nặng ở đầu, ngực, tay...

Theo kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng, sáng 27-7 tổ tuần rừng của Trạm kiểm lâm Thượng Hóa do anh Phạm Văn Sáu làm tổ trưởng tuần tra kiểm soát vùng rừng thuộc khu cực cách bản Ón (xã Thượng Hoá- Minh Hoá) khoảng 3 giờ đồng hồ đi bộ.

Tại đây tổ phát hiện nhiều phác gỗ của lâm tặc giấu trong rừng. Do không thể đưa gỗ ra cửa rừng được nên lực lượng kiểm lâm đã xử lý bằng cách phá hủy.

Khoảng 12h, trên đường về, khi đi đến đoạn đường qua dốc đá lởm chởm thì tổ công tác đã bị nhóm lâm tặc gồm 9 người dùng dao, rựa, gậy gỗ tấn công nhưng anh Sáu vẫn bình tĩnh động viên anh em vừa chống đỡ vừa rút lui để bảo toàn lực lượng.

Tuy nhiên do địa hình hiểm trở, chênh lệch lực lượng quá lớn mà lâm tặc lại rất hung hãn, chúng buộc dao vào cánh tay để tấn công nên sau gần một giờ đồng hồ chống cự Phạm Văn Sáu (SN 1966), Hoàng Văn Quế (SN 1983) và Nguyễn Đức Minh (SN 1975) đã bị chúng bắt giữ trói tay trong khi đó hai kiểm lâm còn lại may mắn chạy thoát.

Thấy anh Quế to khỏe hơn cả nên chúng dùng dao chém vào đầu làm vỡ toác chiếc mũ cối, đánh vào chân bầm tím, khi anh ngã xuống chúng còn nhảy lên dẫm vào ngực. Nhóm lâm tặc bắt cả 3 người đi ngược vào rừng sâu. Anh Quế chân bị thương, chảy nhiều máu không đi được thì chúng thúc dao vào lưng dọa không đi sẽ chém.

Đi thêm gần 3 giờ đồng hồ, nhóm lâm tặc nhốt các anh trong một hang đá và chặt cây che kín miệng hang. Sau đó, bọn chúng bàn bạc và yêu cầu anh Sáu về mang lên 25 triệu chuộc hai người còn lại và giao hẹn “đến 10 giờ đêm không đưa tiền lên sẽ chém chết cả hai người, vứt xác xuống suối”. Nhóm lâm tặc cử hai tên kèm anh Sáu băng rừng về để lấy tiền.

Đến sáng nay 28-7, anh Quế vẫn rất đau đớn với nhiều vết thương trên thân thể
Đến sáng nay 28-7, anh Quế vẫn rất đau đớn với nhiều vết thương trên thân thể. Ảnh: Tuổi trẻ

Trong khi đó hai kiểm lâm viên chạy thoát được là Nguyễn Duy Năng và Lê Dòng Sông đã cấp báo tình hình với bộ đội biên phòng và đơn vị.

Lập tức tổ công tác của Đồn Biên phòng 585 do thiếu tá, đồn phó Võ Đình Thuần chỉ đạo kết hợp cùng công an huyện Minh Hóa, lực lượng KL Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng nhanh chóng triển khai kế hoạch nhằm giải cứu các kiểm lâm đang bị lâm tặc bắt giữ.

Khi đoàn công tác trên đường đi vào bắt gặp hai lâm tặc kèm anh Sáu đi ra nên đã giải cứu được cho anh. Hai lâm tặc chui rừng chạy thoát.

Biết có lực lượng tăng cường vào, những tên lâm tặc cố thủ trong hang đá, chúng kề dao vào cổ anh Quế, Minh de dọa nếu kêu la sẽ cắt cổ. Mặt khác, bọn chúng còn ngoan cố thách thức lực lượng giải cứu con tin bằng lời lẽ đe dọa nếu xong vào thì sẽ giết chết con tin.

Thiếu tá Võ Đình Thuần kể lại: “Lúc đó gần 20 giờ, trời đã tối, chúng tôi lên phương án động viên, kêu gọi nhóm lâm tặc thả con tin và cho đi hoặc đồng ý cho dẫn con tin về bản. Khi nhóm lâm tặc dẫn hai anh ra khỏi hang một đoạn thì bọn chúng bỏ chạy, Lực lượng biên phòng đã truy đuổi và bắt giữa được một đối tượng”. Các anh Hoàng Văn Quế, Nguyễn Đức Minh được bộ đội biên phòng sơ cứu băng bó vết thương và chuyển về bệnh viện

Thiếu tá, đồn trưởng đồn biên phòng 585 Trịnh Thanh Bình cho biết: “Đối tượng bị bắt giữ khai nhận là Trần Xuân Minh - SN 1996, trú tại bản Phú Minh - Thượng Hóa - Minh Hóa. Hiện lực lượng trình sát của Đồn đang tích cực phối hợp cùng với công an huyện và lực lượng KL truy bắt các đối tượng còn lại, đồng thời điều tra làm rõ vụ việc để xử lý theo pháp luật”.

Ông Phan Hồng Thái - Hạt trưởng Hạt KL Phong Nha - Kẻ Bàng cho hay, từ đầu năm đến nay đã khoảng 10 vụ tấn công, hành hung đe dọa của các đối tượng xấu nhằm vào lực lượng KL của đơn vị đang trực tiếp bảo vệ rừng của Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha -Kẻ Bàng.

Ngoài sự liều lĩnh, hung hãn của lâm tặc chống người thi hành công vụ thì nguyên nhân nữa là do phương tiện hỗ trợ của đơn vị chưa được trang cấp đủ mạnh và việc sử dụng phương cũng hạn chế nên khó trấn áp ngay đối với lâm tặc.

Thanh Sơn
(Tổng hợp)

Tienphongonline

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Phục dựng lại đầy đủ bộ xương tê giác Java


(TNO) Ngày 19.11, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên (Đồng Nai) cho biết: Vườn đã mời các nhà khoa học ở Viện Sinh học Tây nguyên (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) tiến hành phục dựng lại đầy đủ bộ xương tê giác Java một sừng để trưng bày nhằm giáo dục ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên động vật rừng ở VN.
Những dấu vết còn lại cho thấy tê giác một sừng tại Vườn quốc gia Cát Tiên
bị bắn và bị lấy sừng - Ảnh do Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên cung cấp
Đây là bộ xương của con tê giác Java một sừng duy nhất ở VQG này được phát hiện chết hồi tháng 4.2010 mà nguyên nhân có thể do săn bắn trộm.
Ngoài ra, hiện VQG Cát Tiên cũng đang xem xét tìm một loài động thực vật đặc trưng khác để làm biểu tượng thay đổi logo của vườn, vì tê giác một sừng là biểu tượng trên logo của VQG này nhưng nay đã tuyệt chủng. 
Gia Bình

Nguồn www.thanhnien.com.vn

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Quản lý yếu, chế tài thiếu


(HNM) - Chỉ trong khoảng 20 năm qua, đã có ít nhất 10 loài động vật quý hiếm vĩnh viễn biến mất khỏi Việt Nam do nạn phá rừng và săn bắn trộm. Con số này chắc chắn sẽ không dừng lại nếu như chúng ta vẫn giữ cung cách quản lý, bảo vệ rừng và xử lý các đối tượng vi phạm như hiện nay. 

Trên đây là nhận định của các chuyên gia thuộc Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) Việt Nam nhân vụ việc công bố loài tê giác một sừng vừa chính thức tuyệt chủng ở Việt Nam vào tháng 10-2011.
 

Vườn quốc gia U Minh có hàng chục loài chim, thú quý hiếm được ghi vào Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
 
10 loài vật vĩnh viễn biến mất ở Việt Nam

Bảo tồn các loài động vật đặc biệt quý hiếm từ lâu đã được các cơ quan quản lý và các nhà khoa học đề cập tới. Tuy nhiên, vấn đề này dường như mới chỉ được thể hiện trong các công trình nghiên cứu khoa học mà chưa có các hoạt động thực sự hữu hiệu nào. Đây là lý do khiến cho trong phiên bản Sách đỏ Việt Nam xuất bản năm 1992, những loài động vật bị đe dọa ở mức cao nhất chỉ được xếp ở hạng nguy cấp, chưa loài nào bị tuyên bố tuyệt chủng, thì đến phiên bản được công bố năm 2008, có tới 9 loài động vật bị xem như đã tuyệt chủng, biến mất hoàn toàn khỏi các cánh rừng, con sông, con suối của Việt Nam. Đó là: tê giác hai sừng (còn gọi là tê giác Sumatra) từng sinh sống ở các khu rừng thuộc tỉnh Khánh Hòa. Bò xám và lợn vòi ở núi rừng Tây Nguyên. Cầy rái cá, một loài động vật độc đáo vì thuộc họ cầy nhưng lại sống gần nước như rái cá, từng được bắt gặp tại hồ Ba Bể (Bắc Kạn). Cá chình Nhật từng xuất hiện nhiều ở Hà Nội (khu vực sông Hồng chảy qua địa phận huyện Thanh Trì) và các tỉnh ven biển Trung bộ (đặc biệt là vùng trước cửa sông thuộc tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định). Cá chép gốc (chỉ sống ở sông Kỳ Cùng của tỉnh Lạng Sơn). Cá lợ thân thấp từng sinh sống tại các sông suối miền núi phía bắc. Hươu sao được coi là đã tuyệt chủng ngoài môi trường tự nhiên, giờ chỉ còn trong các vườn thú và trang trại. Con vật này trước đây sinh sống tại rất nhiều địa phương từ Bắc vào Nam. Cá sấu hoa cà từng sinh sống tại các đầm lầy và rừng ngập mặn ở miền Nam. Loài bò sát này đã tuyệt chủng ngoài thiên nhiên nhưng vẫn được nuôi tại một số vườn thú và trang trại để lấy thịt và da. 

Mới đây nhất, ngày 25-10-2011, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) ra tuyên bố loài tê giác một sừng sinh sống ở Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên đã chính thức tuyệt chủng ở Việt Nam. Sự ra đi của loài động vật này là một mất mát vô cùng to lớn đối với thiên nhiên Việt Nam và thế giới. Ban quản lý VQG Cát Tiên cho biết: cá thể tê giác quý hiếm này chết do bị săn bắn. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã phát hiện có một vết đạn găm vào chân trái của con tê giác một sừng cuối cùng này. 

Bất cập trong quản lý và xử lý

Sau cái chết của tê giác một sừng và trước đó là nhiều loài động vật quý hiếm bị tuyệt chủng, các nhà quản lý, nhà khoa học đang lo lắng cho nhiều loài khác cũng đang đứng trước nguy cơ tồn vong. Theo ông Nick Cox, Quản lý Chương trình Loài của WWF, các loài bò tót, voi và hổ cũng đang dần biến mất ở Việt Nam. Riêng với hổ, từ lâu các nhà khoa học đã không có bằng chứng về sự sinh sản của loài này. Đây là điều vô cùng nguy cấp.

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc VQG Cát Tiên cho biết, hiện vườn có 3-4 đàn bò tót sinh sống với số lượng tổng đàn khoảng 100 con. Trong Sách đỏ Việt Nam, bò tót được xếp vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng cao. Quần thể bò tót ở VQG Cát Tiên có không gian trên 70.000ha, tiếp giáp với gần 40 xã có đông dân cư sinh sống thuộc 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước. Ngoài ra, trong vùng lõi và vùng đệm của VQG Cát Tiên còn có đến 18.000 dân sinh sống. Đây chính là những mối đe dọa của loài thú quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng này. Trung bình mỗi năm, lực lượng kiểm lâm của VQG bắt được trên 20.000 cái bẫy thú, trong đó có 10% bẫy bắt cả thú lớn như bò tót, nai, hoẵng... Ngoài ra, mỗi tháng anh em cũng thu vài khẩu súng săn. Chỉ trong chín tháng đầu năm 2011, VQG đã bắt và xử lý 250 vụ vi phạm rừng, vụ đưa ra khởi tố với mức xử cao nhất là bảy năm tù. Cần xử nặng hơn nữa những kẻ cầm đầu, cố tình vào rừng khai thác để làm giàu - ông Trần Văn Thành kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Minh, Hạt Kiểm lâm Cát Tiên băn khoăn: Hiện một cái mật bò tót ở thị trường có giá đến 50-60 triệu đồng; giá thịt bò tót cao gấp ba đến bốn lần thịt bò thường cho nên loài thú này rất hấp dẫn đối với những kẻ đi săn thú rừng. Trong khi đó, lâm tặc chỉ sử dụng súng săn là súng tự chế chứ không phải súng quân dụng nên về luật thì không thể truy tố đối tượng được. Đây quả là một bất cập.

Các chuyên gia của WWF cho rằng, mất sinh cảnh sống là yếu tố then chốt dẫn đến sự tuyệt chủng của tê giác một sừng cũng như một số loài thú quý tại Việt Nam. WWF cảnh báo, việc thực thi pháp luật không thỏa đáng, quản lý thiếu hiệu quả, xâm lấn đất và xây dựng cơ sở hạ tầng bên trong và gần các khu vực được bảo vệ chỉ làm tăng thêm áp lực cho các quần thể động vật vốn đã dễ bị tổn thương.

Ông Nick Cox nhấn mạnh, để cứu các loài động vật nguy cấp, Việt Nam cần bảo vệ môi trường sống tự nhiên, ngăn chặn nạn săn bắn và buôn bán động vật hoang dã trái phép. Các khu bảo tồn cần có nhiều kiểm lâm hơn, họ cần được đào tạo và giám sát tốt hơn, có trách nhiệm cao mới bảo vệ được động vật hoang dã. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng ngân sách cho công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ rừng.

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Một sự thật cho Bộ trưởng


Một sự thật cho Bộ trưởng Cao Đức Phát...


Chung quy mọi vấn đề bất cập ở nước ta xưa nay đều tựu trung lại trong câu hỏi "đầu tiên?". Nhưng thiếu tiền vẫn chưa phải là đáng sợ nhất.
Sợ nhất là thiếu trách nhiệm!
Tê giác Java đã tuyệt chủng- một tin buồn cho ngành bảo tồn Việt Nam. Xét đến cùng, kết cục này thuộc về phần lỗi của nhà quản lývà cơ chế quản lý của chúng ta thực sự "có vấn đề".
Trong cuộc đối mặt với lâm tặc, tiếc thay những người đại diện cho chính quyền quản lý, bảo vệ và phát triển rừng lại không thể... tự bảo vệ mình trước bọn phá rừng.
Điều phi lý này đang có thật ở Việt Nam, không biết Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát có rõ không?
Từ chuyện xứ người...
Người viết có may mắn gặp được một cảnh sát bảo vệ rừng thực sự- Ed Newcomer, chuyên gia người Mỹ- người đã dựng lại hiện trường về vụ tê giác Java Cát Tiên (đã được WWF xác định là con cuối cùng) bị chết vào tháng 4/2010 do đạn bắn.
Miệng nói, tay vẽ lại mô tả hiện trường nơi con tê giác một sừng ngã xuống, Ed đã giải thích nhanh, rõ, dễ hiểu cho những người có mặt bao gồm giới khoa học bảo tồn, báo chí và đặc biệt là lực lượng điều tra của công an tỉnh Lâm Đồng chỉ trong vài phút.
Điều thú vị ở chỗ trước đó Ed chưa hề có buổi làm việc chính thức nào với Công an tỉnh Lâm Đồng, mà ông dựa trên thực tế xem xét kỹ hiện trường nơi tê giác chết và nghiên cứu dữ liệu do kiểm lâm vườn Quốc gia Cát Tiên cung cấp.
Một thái độ làm việc chuyên nghiệp mà tất cả những người chứng kiến không khỏi khâm phục!
Trao đổi với người viết, Ed Newcomer cho biết tại Mỹ, khi thấy bóng người lạ trong rừng nguyên sinh là cảnh sát rừng có quyền hô yêu cầu kẻ khả nghi đứng im. Nếu bỏ chạy hay chống trả thì cảnh sát rừng đương nhiên có quyền nổ súng thị uy hay bắn gục.
Nếu lâm tặc có thể chạy thoát thì bằng điện đàm giữa cảnh sát rừng với cảnh sát địa phương, kẻ phạm tội sẽ được đón lõng và tống giam ngay trên đường ra khỏi rừng.
Qua tìm hiểu thì lý do đơn giản để lâm tặc khó thoát là ngoài rừng nguyên sinh thì rừng đệm của các vườn quốc gia nước ngoài rất lớn (còn của ta thì...) nhưng vành đai giám sát, bảo vệ luôn thắt chặt. Nếu vào vườn mà không có sự cho phép của cảnh sát bảo vệ rừng, anh có bị thú dữ tấn công bị thương hay xé xác thì kẻ làm việc phi pháp cũng đừng hòng nhận được một xu bảo hiểm.
Tê giác Java đã tuyệt chủng tại VN
... đến chuyện xứ ta
Ông Trần Văn Thành, giám đốc vườn Quốc gia Cát Tiên hẳn sẽ rất ganh tỵ với Ed (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tôi đoán thế). Ông từng than thở với người viết khi tôi làm một chuyến xuyên rừng tìm thực tế viết bài: "Ở Việt Nam, lâm tặc không sợ kiểm lâm mà... ngược lại." Và tôi biết ông không nói đùa...
Chỉ cần gõ Google cụ từ "kiểm lâm bị tấn công" bạn sẽ có 921.000 kết quả trong 0,18 giây. Hình như ở Việt Nam, không có kiểm lâm của vườn quốc gia nào chưa từng bị lâm tặc tấn công hoặc chí ít là gửi lời... xin tí huyết.
Ông Đỗ Mạnh Hàn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Cát Tiên có kinh nghiệm giữ rừng trên 20 năm cười buồn: "Tôi bị lâm tặc dọa giết không biết bao nhiêu lần." Người cựu chiến binh này đã không ít lần dùng bản lĩnh võ thuật của mình tước súng lâm tặc trong khi súng ông thì chỉ để... làm cảnh, không được dùng.
Không chỉ ông Hàn, tất cả các kiểm lâm tôi quen đều chung một câu trả lời, nghe vừa phi lý đến mức buồn cười vừa chua xót: Súng chỉ được bắn chỉ thiên, không được bắn người dù là bắn bị thương. Hóa ra súng- phương tiện bảo vệ rừng và những người giữ rừng trước giờ chỉ là những món đồ trang trí cho oai?
Thật lạ, người bảo vệ rừng hợp pháp lại không được quyền trị những kẻ phạm pháp bởi "cơ chế không cho phép". Nổ súng mà chẳng may lâm tặc chết thì kiểm lâm gặp không biết bao nhiêu là nguy hiểm từ những vụ trả thù lẫn sự phiền hà của cái gọi là "cơ chế".
Cơ chế "trói tay"?
Ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN và PTNT) vừa phát biểu trên báo Người lao động: "Hiện Nhà nước vẫn có các dự án bảo tồn động vật, như dự án bảo vệ voi ở Đắk Lắk, Đồng Nai và Bình Thuận nhưng do ngân sách đầu tư chưa được bao nhiêu nên kết quả vẫn còn phải chờ. Cũng vì ngân sách hết sức khó khăn nên nhiều cái muốn vẫn chẳng thể nào làm được."
Tôi thấy câu này... quen quen. Chung quy mọi vấn đề bất cập ở nước ta xưa nay đều tựu trung lại trong câu hỏi "đầu tiên?". Nhưng thiếu tiền vẫn chưa phải là đáng sợ nhất.
Sợ nhất là thiếu trách nhiệm!
Trong cuộc thị sát mới đây ở vườn Quốc gia Yok Đôn, Bộ trưởng Cao Đức Phát được báo cáo, lương nhân viên kiểm lâm trung bình dưới 3 triệu/ tháng. Ông cũng từng được nghe chuyện lâm tặc đã đáng lo mà "bố lâm tặc" chống lưng phía sau còn đáng lo hơn. Bộ trưởng đã nhấn mạnh chống lâm tặc như chống tội phạm ma túy và ngành lâm nghiệp phải chủ động từ cấp bộ trở xuống.
Trên cương vị một thường dân, người viết bài mong Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng các cộng sự sẽ giữ đúng lời hứa chủ động của mình. Vì ông từng mở đầu chuyến thị sát rừng Yok Đôn bằng một câu ấn tượng mà Thời báo kinh tế Việt Nam đã ghi lại: "Tôi đến đây không phải để tham quan, không muốn nghe những điều tốt đẹp mà muốn nghe sự thật!"
Thưa Bộ trưởng, với mức lương chưa tới 3 triệu/ tháng mà hàng ngày phải đối mặt với những kẻ nguy hiểm "như tội phạm ma túy", cùng thứ cơ chế đang "trói tay" những kiểm lâm chân chính (tôi lại lần nữa nhấn mạnh từ này), thì ai dám bảo vệ rừng lâu dài? Hay một bộ phận không nhỏ cán bộ lâm nghiệp cũng tiếp tay hoặc trực tiếp tham gia phá rừng bởi họ còn có chân mà "chạy"?
Từ Tây Bắc đến vùng núi Bắc Trung Bộ, từ Tây Nguyên xuống đến Đông Nam Bộ rồi Tây Nam Bộ, đã có biết bao dự án "bán rừng" để trồng cao su, cây cao sản hay đơn giản hơn là phá rừng nguyên sinh để... trồng lại rừng? Trong số các giấy phép ấy, thú thật nếu không có chữ ký của cán bộ quản lý lâm nghiệp cao cấp ở mỗi địa phương (và thậm chí cao hơn) thì làm sao rừng không mất?
Trên cương vị một thường dân, người viết bài mong Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng các cộng sự sẽ giữ đúng lời hứa chủ động của mình. Vì ông từng mở đầu chuyến thị sát rừng Yok Đôn bằng một câu ấn tượng mà Thời báo kinh tế Việt Nam đã ghi lại: "Tôi đến đây không phải để tham quan, không muốn nghe những điều tốt đẹp mà muốn nghe sự thật!"
Và sự thật về những võ sĩ bị "trói tay" chỉ là một trong nhiều sự thật về việc gian nan bảo vệ rừng thôi, thưa Bộ trưởng?
Nên có lực lượng cảnh sát bảo vệ rừng?
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý rừng, biển, còn Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý môi trường và đa dạng sinh học. Rừng có cả hai yếu tố ấy nên rốt cuộc, ai sẽ quản lý rừng và khi xảy ra sự cố, quy trách nhiệm cho ai?
Ngày 15.7.2010 vừa qua, tại cuộc họp báo sáu tháng đầu năm của Đồng Nai, Thiếu tướng Trần Văn Khánh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, khi được hỏi về việc vì sao các quán bán thịt thú rừng đặc sản tồn tại công khai ngay cạnh vùng rừng đệm vườn Quốc gia Cát Tiên, đã cho biết ông không nhận được danh sách các quán chuyên bán thịt rừng đặc sản hay địa điểm buôn bán động vật hoang dã, thú quý hiếm nào tại Đồng Nai!
Trong thực tế, danh sách này đã được Kiểm lâm vườn Quốc gia Cát Tiên gửi đến công an các huyện thuộc địa phận vườn quốc gia nhưng tình trạng buôn bán động vật hoang dã, thú quý hiếm vẫn không giảm.
Từ vụ tê giác Java Việt Nam ở vườn Quốc gia Cát Tiên chết đến sự có mặt của các chuyên gia bảo vệ rừng, bảo vệ thú hoang dã nước ngoài tại Việt Nam nhằm điều tra, nghiên cứu, đánh giá sự kiện này của họ, có lẽ Việt Nam phải có cái nhìn và cách làm khác trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ thú quý hiếm, đặc biệt là việc xây dựng đội ngũ kiểm lâm và cơ chế, quyền hạn hoạt động cũng như các chính sách cần thiết cho lực lượng này.
Việt Nam đã thành lập lực lượng cảnh sát môi trường trước tình trạng môi trường Việt Nam ngày càng bị xâm hại nặng nề. Vậy có nên có lực lượng cảnh sát bảo vệ rừng?
Sự thay đổi trong cách thức bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, thú quý hiếm - dù là theo cách nào - thì nhất thiết vẫn nên được xem xét và luật hoá dựa trên cơ sở các kiến nghị của những người trong cuộc và tham khảo cách làm hay, làm tốt của những quốc gia khác. Nếu không, rừng Việt Nam và các loại thú quý hiếm e sẽ không tồn tại lâu nữa...

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Tê giác Java trong vòng bảo vệ


Ký ức loài tê giác - Kỳ cuối: Tê giác Java trong vòng bảo vệ
TT - Có rất nhiều yếu tố dẫn tới sự tuyệt chủng của tê giác Java, trong đó nạn săn bắn trộm và bị mất nơi ở do con người lấn chiếm được xem là các đe dọa cực kỳ lớn.
Nhưng ở Indonesia, nơi duy nhất trên thế giới có một cụm tê giác Java một sừng duy nhất quần cư, chúng lại khá an toàn trước hai nguy cơ này, cho dù vẫn còn những đe dọa khác.
Hai mẹ con tê giác tại vườn quốc gia Ujung Kulon chụp bằng bẫy ảnh - Nguồn: Vườn quốc gia Ujung Kulon và WWF
Sống gần núi lửa
Theo thông tin từ vườn quốc gia Ujung Kulon (địa đầu phía tây của đảo Java, Indonesia), số lượng tê giác Java sống ở đây theo ước tính năm 2009 là 38-54 con. Trước những đe dọa tới sự tồn tại của loài này, các nỗ lực bảo tồn bắt đầu từ năm 1999 với sự hoạt động của ba đơn vị bảo tồn tê giác, dưới sự điều hành của Chương trình bảo tồn tê giác Indonesia cho đến năm 2006. Rồi bắt đầu từ năm 2007, ba tổ chức được điều hành bởi Quỹ tê giác Indonesia YABI bắt đầu hoạt động.
Hiện nay có bốn đơn vị bảo tồn tê giác ở đây, mỗi nơi phụ trách một nhiệm vụ, với sự hỗ trợ của Quỹ tê giác quốc tế (IRF).
Tê giác Java được tìm thấy ở vườn quốc gia Ujung Kulon rộng 122.956ha. Chúng sinh sống ở một lãnh địa rộng 40.000ha. Điều đặc biệt là lãnh địa này nằm trên bán đảo cao hơn 10m so với mực nước biển, cách núi lửa Anak Gunung Krakatau khoảng 50km, và ngọn núi lửa này vẫn đang hoạt động.
Vì số lượng cá thể rất nhỏ, lại sống co cụm một chỗ, nên tính đa dạng gen không có và rất yếu ớt trước bất kỳ đe dọa thiên nhiên nào. Thật không ai dám hình dung một khi có thảm họa như dịch bệnh hay sóng thần do động đất (mà Indonesia lại là nơi dễ bị động đất), vì khi đó tê giác Java sẽ biến mất trên hành tinh!
Tê giác Java được xem là loài ít được nghiên cứu trực tiếp nhất vì độ hiếm cũng như sự bảo vệ cần thiết an toàn cho chúng. Đến nay, rất ít thông tin được biết về chuyện sinh đẻ của loài tê giác Java vì chúng không bao giờ đẻ khi được nuôi nhốt. Không những thế, chúng còn rất lâu mới đẻ một lần.
Người ta tin rằng con cái đến tuổi sinh đẻ khi được 5-6 tuổi, con đực là 10 tuổi. Thời gian yêu đương của loài này từ khoảng tháng 7-10 hằng năm và thời gian thai nghén không được biết rõ, nhưng có thể mất tới 16 tháng. Tê giác Java sinh sản trễ hơn, lại thưa hơn lũ bò rừng Java trong khu vực này, nên tất nhiên chúng bị lũ bò ngày càng lấn át về số lượng. Cây cọ arenga mọc chiếm đa số khu vực sinh sống của loài này trong rừng quốc gia.
Hiện khoảng 60% (18.000ha) phần sinh sống của tê giác là có cây cọ arenga bao phủ và áp đảo sự tăng trưởng của thức ăn phù hợp với loài tê giác. Nếu cây cọ arenga lấn lướt thì không có cây gì có thể lớn được và dĩ nhiên thức ăn cho tê giác cũng bị ít đi. Đây sẽ là mối lo ngại lớn của những nhà làm bảo tồn.
Tăng trưởng âm!
Chính phủ Indonesia rất quan tâm tới tình hình loài tê giác Java. Chiến lược và Chương trình Hành động bảo tồn tê giác ở Indonesia năm 2007-2017 đã được thông qua, với ba mục tiêu ngắn hạn là: duy trì và mở rộng số lượng cá thể thêm 20% ở tự nhiên; hình thành một cụm quần cư mới ở nơi khác bằng cách đưa chúng tới nơi đó, trong khi vẫn đảm bảo sự an toàn cho chúng, lãnh địa mới phải lớn hơn 400.000ha; thành lập một khu vực bảo tồn tê giác Java khác để hỗ trợ chương trình hiện nay.
Dựa trên chương trình này, hiện vườn quốc gia và Quỹ tê giác Indonesia đã thành lập khu vực nghiên cứu và bảo tồn tê giác Java. Ngoài ra, còn có cơ quan theo dõi và kiểm soát số lượng hiện nay của chúng.
Tê giác Java một sừng có thể là loài vật có vú lớn nhất hiếm nhất trên hành tinh trong số các phân loài tê giác. Vòng đời của loài này không được biết rõ, nhưng khoảng 30-40 năm. Ngày nay, rất ít tê giác có thể sống được ở bên ngoài rừng quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên.
 Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc Quỹ bảo tồn tê giác Java Widodo Ramono cho biết từ giữa những năm 1960 tới đầu những năm 1980, số tê giác Java tăng rất chậm, từ con số rất nhỏ, chỉ khoảng 60 con. Cho đến đầu những năm 1990, tình hình rất xấu, do số lượng cá thể lại giảm đi và đến nay chỉ còn khoảng 50 con. Bởi vậy, các chuyên gia nghiên cứu ở Indonesia cho rằng số lượng tăng trưởng dân số của chúng là âm 0,7%/ năm! Nếu cứ đà này, lượng tê giác Java sẽ chỉ còn tồn tại đến cuối thế kỷ 21.
Người ta hầu như không nghe thấy chuyện tê giác Java một sừng bị bắn trộm ở Indonesia mà chúng thường bị chết vì những nguyên nhân tự nhiên. Việc săn bắn trộm tê giác Java đã bị nhà chức trách Indonesia đưa vào vòng kiểm soát vào cuối những năm 1990, chủ yếu nhờ việc thành lập các đơn vị bảo vệ ở hiện trường để kiểm soát.
Tuy nhiên, theo Quỹ bảo tồn tê giác Indonesia, vẫn còn những đe dọa tiềm năng và phải tiếp tục tăng cường cảnh giác. Thực tế người ta không ghi nhận có trường hợp săn bắn tê giác trộm nào từ cuối những năm 1990 ở đây. Nhưng nếu không gặp nguy cơ từ người, tê giác Java lại gặp mối đe dọa mới từ việc mực nước biển gia tăng do sự ấm nóng lên của toàn cầu.
Nhu cầu thị trường làm tăng nạn săn bắn trộm
Theo WWF, vào ngày 19-4-2011, bộ phim tài liệu Horn of Africa (Sừng của châu Phi) do Dan Rather thực hiện chiếu tại truyền hình Mỹ và Canada đã mô tả chi tiết về đường đi của sừng tê giác và thực tế này đã khiến nạn săn bắn trộm tê giác ở Bắc Phi bùng phát như thế nào.
Thông tin từ bộ phim này cho biết từ năm 2000-2007, mỗi năm Nam Phi chứng kiến trung bình 12 con tê giác bị sát hại. Con số năm 2008 là 78 con và 2010 là 333 con! Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2011 đã có hơn 80 con bị giết. Đến tháng 9-2011, Nam Phi mất hơn 287 con tê giác, trong đó có 16 con tê giác đen thuộc phân loài có nguy cơ tuyệt chủng!
Các chính phủ châu Phi và châu Á đang được thúc giục hợp tác cùng nhau để phá vỡ mạng lưới buôn bán vận chuyển trái phép các động vật quý hiếm, hoang dã và đưa những kẻ phạm tội ra trước tòa án. Thị trường vẫn còn những kẻ khát khao sở hữu sừng tê giác và ngà voi, đây chính là điểm mấu chốt phá hủy di sản thiên nhiên của châu Phi, và các tổ chức quốc tế đang muốn thị trường đen này ở châu Á đóng cửa vĩnh viễn.

Cái chết được báo trước


Ký ức loài tê giác - Kỳ 3: Cái chết được báo trước
TT - Báo cáo về việc tìm kiếm và bảo vệ tê giác được Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) công bố ngày 25-10-2011 cho thấy việc con tê giác cô đơn cuối cùng của quần thể tê giác ở rừng quốc gia Cát Tiên giã biệt cõi đời chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tê giác Java, những gì còn lại - Ảnh: Đ.Tuyên
Báo cáo của các tác giả Sarah Brook (WWF Việt Nam), Peter Van Coeverden de Groot (ĐH Queen, Canada) và Simon Mahood (WWF Việt Nam), Barney Long (WWF Mỹ) đã cho thấy bức tranh của câu chuyện dưới góc nhìn của các nhà chuyên môn. Xin lược trích góc nhìn của những nhà khoa học quốc tế cũng như tiếng nói của người trong cuộc.
Nhiều loài đối mặt nguy cơ sẽ tuyệt chủng
Tháng 4-2010 vườn quốc gia Cát Tiên và WWF gửi 20 mẫu phân tê giác tới ĐH Queen để phân tích. Tính đa dạng trong các mẫu này cho thấy ít nhất có hai cá thể còn sống ở Cát Tiên trong thời gian 2003-2006. WWF và vườn quốc gia Cát Tiên đã tiến hành khảo sát sâu về loài tê giác Java một sừng từ tháng 10-2009 đến tháng 4-2010. Các chú chó nghiệp vụ từ nước ngoài đã được đưa về để tăng khả năng tìm ra các mẫu phân. Đội đã tìm kiếm trên diện tích 6.500ha với ba lần/tuần và mở rộng ra thêm 3.500ha nữa, dù khu vực này đã không có dấu hiệu của tê giác kể từ năm 1993.
WWF nhận định nạn săn bắt trộm có thể là nguyên nhân dẫn đến kết cục bi đát của loài vật này. Con tê giác cuối cùng trên lãnh thổ Việt Nam bị bắn vào chân. Khi người ta tìm ra thi thể nó, chiếc sừng đã bị lấy ra khỏi đầu. Sinh cảnh dành cho tê giác vốn từ diện tích 75.000ha khi tê giác được phát hiện tái xuất năm 1988, nay chỉ còn rộng chưa tới 30.000ha. Khốn khổ hơn, thực tế con vật chỉ còn không gian khoảng 6.500ha do các hoạt động của con người. Săn bắt trộm và mất sinh cảnh không phải là chuyện riêng ở vườn quốc gia Cát Tiên, mà là chuyện của cả nước Việt Nam. WWF cho rằng nguyên nhân là do thực thi pháp luật kém và các biện pháp bảo vệ nghèo nàn, cũng như quản lý khu vực kém hiệu quả. Báo cáo nhận định: “Do đó, Việt Nam đang đối mặt với thực tế hàng loạt các loài khác có nguy cơ tuyệt chủng”.
Vào thời Pháp thuộc, số tê giác vẫn còn nhiều ở Việt Nam, nhưng sau chiến tranh chống Pháp và Mỹ, với các dụng cụ săn bắn hiện đại hơn, số tê giác Java một sừng giảm mạnh và ít nhất 39 con đã bị giết ở khu vực rừng Cát Tiên từ 1957-1991. Năm 1989, các nhà nghiên cứu dự đoán ít nhất 10-15 cá thể sống ở khu vực Cát Tiên trên diện tích chưa tới 75.000ha, dựa trên quan sát thực địa, phỏng vấn người dân và quan chức. Tới năm 1999, các phân tích của WWF và rừng quốc gia Cát Tiên kết luận còn ít nhất bảy cá thể, và nhiều nhất tám cá thể tê giác ở Cát Lộc, sống trong diện tích khoảng 6.500ha. Dân số tăng nhanh, môi trường của tê giác bị thu hẹp, thay đổi, nguồn nước bị hạn chế... đều khiến cuộc sống của tê giác thay đổi lớn.
WWF khuyến nghị cần phải đẩy mạnh việc thực thi pháp luật và tăng cường quản lý các khu vực cần được bảo tồn ở Việt Nam với sự hợp tác giữa các tổ chức bảo tồn và các khu vực cần được bảo tồn, để các loài khác không chịu chung số phận với tê giác Java.
Thế nhưng, theo WWF, một số khuyến nghị quan trọng của WWF đã không được thực thi ở thực tế. Báo cáo cho biết ví dụ như thời gian tuần tra ở khu vực Cát Lộc đã không như khuyến nghị, hay luật pháp không được thực thi khiến khả năng theo dõi các diễn biến bị hạn chế. Các biện pháp canh phòng đã được thống nhất với vườn quốc gia Cát Tiên, tiền được hỗ trợ và các đợt tuần tra được theo dõi bằng GPS, sau đó chuyển thông tin tới WWF. Tuy nhiên, những công việc này đã không được làm theo tiêu chuẩn yêu cầu. “Các dấu đường GPS khi tuần tra đã không được cung cấp cho WWF hằng tháng mà gửi trễ hơn vài tháng, khiến các chuyên gia rất khó theo dõi thực tế dự án đang được thực hiện ra sao”.
Cơ chế bảo vệ
Việc pháp luật không được thực thi trong thời gian từ năm 2009 đến đầu năm 2010 dĩ nhiên không thể là nguyên nhân khiến số lượng loài giảm và dẫn tới việc cá thể tê giác cô đơn còn lại ra đi, nhưng rõ ràng nó thể hiện những thách thức lớn khi đưa ra những cách bảo vệ rừng. Thiếu đi các cơ chế bảo vệ cơ bản cho tê giác và những loài khác ở Cát Lộc, nơi mà nạn săn bắt trộm cuối cùng đã khiến con tê giác chết. Vấn đề này không chỉ duy nhất ở Cát Tiên, nhưng thể hiện rõ nhất ở Cát Tiên do số lượng ít ỏi của tê giác Java hiện nay.
WWF cảnh báo thực tế này cho thấy (những bên có trách nhiệm) cần phải duy trì mức độ tối thiểu theo tiêu chuẩn về diện tích đi tuần, thời gian đi tuần và tần suất đi tuần để bảo vệ rừng, cũng như bảo vệ các loài có giá trị cao khác như hổ, voi, rùa...
Tê giác có lẽ là món hàng đắt giá nhất, với chiếc sừng trị giá tới 100.000 USD/kg. Ở khắp châu Phi và châu Á, những con tê giác bị săn đuổi vì sừng của mình.
Theo báo cáo, WWF khuyến nghị mỗi tháng kiểm lâm phải đi tuần ít nhất 16 ngày trên diện tích rộng, và cần các kỹ thuật khác nhau để hạn chế các nguy cơ đe dọa từ những tay săn có súng, chó, bẫy...
Các khuyến nghị cụ thể mà WWF đưa ra tại các khu vực đang có động vật gặp nguy hiểm gồm: tăng số nhân viên kiểm lâm được đào tạo để tuần tra ở các khu vực được bảo vệ; tăng ngân sách hoặc tái phân bổ ngân sách để đảm bảo đi tuần đủ; áp dụng tiêu chuẩn tuần tra của thế giới; thành lập hệ thống quản lý và các giám đốc, nhân viên phải chịu trách nhiệm đối với việc thực thi công việc được giao phó. (Có thể đọc thêm tại http://www.worldwildlife.org/who/media/press/2011/WWFBinaryitem24584.pdf)
Đó là quan điểm và cách nhìn của WWF về sự kiện này. Những khuyến cáo cũng đã được đưa ra, thế nhưng mọi việc đã quá trễ để cứu con tê giác...
HẠNH NGUYÊN
Chúng tôi có là thánh cũng không bảo vệ được
Chúng tôi cũng như anh em kiểm lâm của vườn quốc gia Cát Tiên có là thánh cũng không thể bảo vệ được những loài thú quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng, khi mà nhu cầu sử dụng những sản phẩm từ thú quý hiếm của một số người có tiền, thậm chí của một bộ phận người có chức có quyền vẫn còn tồn tại. Việc tê giác Java - loài tê giác một sừng của Việt Nam - tuyệt chủng là một nỗi đau cho chúng tôi cũng như những người làm bảo tồn và người dân nói chung.
Chúng ta đã không thể bảo vệ được cá thể tê giác cuối cùng của Việt Nam. Chúng tôi cũng phải có trách nhiệm khi để vụ việc này xảy ra. Tuy nhiên từ vụ việc tê giác một sừng bị tuyệt chủng, chúng ta cũng phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh để chúng tôi, Nhà nước, các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân ra sức bảo vệ những loài thú quý hiếm còn lại. Tránh để những loài thú quý hiếm khác phải chung số phận bi thảm như tê giác Java.
Ông TRẦN VĂN THÀNH
(giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên)
__________
Trên đây là câu chuyện bảo vệ tê giác ở Việt Nam, còn với thế giới, loài tê giác Java hiếm hoi còn lại đã được bảo vệ như thế nào?
Kỳ tới: Tê giác Java trong vòng bảo vệ

Từ dấu chân đến hình ảnh

Ký ức loài tê giác - Kỳ 2: Từ dấu chân đến hình ảnh


TT - Theo ông Phạm Hữu Khánh, phó giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên, tại Việt Nam từng có loài tê giác hai sừng sinh sống. Thế nhưng vào năm 1920, con tê giác hai sừng cuối cùng bị bắn chết tại Cam Ranh, chính thức kết thúc sự hiện diện của tê giác hai sừng trên những cánh rừng Việt Nam.

Tiến sĩ Sarah Brook và Simon Mahood (từ phải sang) cùng hai chú chó nghiệp vụ đi tìm dấu vết tê giác - Ảnh tư liệu

Dấu hiệu ban đầu
Ông Khánh cũng khẳng định đối với loài tê giác Java - tê giác một sừng của Việt Nam, từ đầu những năm 1980 trở về trước không có một tài liệu nghiên cứu nào. Mãi đến năm 1988, khi đồng bào dân tộc sống trong vùng rừng huyện Cát Tiên và Bảo Lộc báo có dấu chân thú lạ, nghi là của loài thú lớn, thú cổ... thì lúc này các cơ quan chức năng và lực lượng kiểm lâm của tỉnh Lâm Đồng mới chú ý. Sau khi thực hiện điều tra, theo dấu chân tê giác hàng năm trời, Viện Điều tra quy hoạch rừng, Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã khẳng định còn một quần thể tê giác ở khu vực rừng Cát Lộc, thuộc vườn quốc gia Cát Tiên.
Lúc này vấn đề bảo vệ loài tê giác một sừng mới được quan tâm. Một số chuyên gia về tê giác ở các nước được mời qua giúp Việt Nam nghiên cứu. Đầu những năm 1990, ông Haryono, chuyên gia về tê giác một sừng của vườn quốc gia Ujung Kulon (Indonesia, nơi hiện còn khoảng 60 cá thể tê giác một sừng), đã cùng các cán bộ kiểm lâm đi sâu vào khu rừng Cát Lộc.
Cuối cùng nhóm nghiên cứu khẳng định có một quần thể tê giác Java - tê giác một sừng của Việt Nam - sinh sống tại đây và đang trong tình trạng “cực kỳ nguy cấp” cần được bảo vệ. Các cán bộ kiểm lâm của tỉnh Lâm Đồng khoanh vùng tê giác sinh sống bằng cách thấy dấu chân tê giác đi tới đâu thì khoanh rừng đến đó.
Năm 1992, khu bảo tồn tê giác Cát Lộc được hình thành gồm diện tích rừng thuộc địa bàn hai huyện Cát Tiên và Bảo Lộc rộng khoảng 30.000ha. Lúc ấy chỉ có bảy cán bộ và nhân viên bảo vệ trông coi toàn bộ khu rừng này. Đến tháng 12-1998, khu bảo tồn tê giác Cát Lộc mới được sáp nhập vào vườn quốc gia Cát Tiên. Khi sáp nhập, khu Cát Lộc vẫn còn những hộ đồng bào dân tộc người S’Tiêng, Châu Mạ... sinh sống tại thôn 3, 4, 5 (nay là xã Đồng Nai Thượng) và thôn K’Lút. Ngay sau đó, ông Trần Văn Mùi (giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên lúc đó) nhanh chóng bố trí một hạt phó hạt kiểm lâm vườn quốc gia Cát Tiên cùng 30 kiểm lâm viên và xây dựng sáu trạm kiểm lâm (Tiên Hoàng, Gia Viễn, Phước Sơn, Bến Cầu, Bù Sa, Lộc Bắc) để bảo vệ quần thể tê giác.
Xuất hiện và biến mất
Cuối năm 1999, vườn quốc gia Cát Tiên đã cho thành lập hai đội tuần tra giám sát tê giác. Thông qua Quỹ Chiến lược hành động voi và tê giác châu Á (thuộc WWF), Quỹ Hổ và tê giác của Tổ chức Động vật hoang dã và cá (Mỹ), hai đội tuần tra và giám sát đã sử dụng bẫy ảnh (camera trapping) để chụp ảnh tê giác. Kết quả tháng 5-1999, chụp được tất cả bảy tấm hình đầu tiên của tê giác một sừng từ bẫy ảnh.
Ông Phạm Hữu Khánh nhớ lại khi thăm bẫy ảnh biết đã chụp được tê giác, ông mừng đến phát khóc. Vườn quốc gia Cát Tiên chính thức công bố có một quần thể tê giác sinh sống tại khu vực Cát Lộc với khoảng 3-5 cá thể. Sau đó cán bộ của vườn tiếp tục chụp hơn 20 tấm ảnh, quay những đoạn phim dài 5 phút về loài tê giác một sừng trong năm 2006. Từ tháng 1-2007 đến hết năm 2008, các cán bộ khoa học và kiểm lâm của vườn quốc gia Cát Tiên tiếp tục ghi nhận và thu thập được hơn 20 dấu chân và phân của tê giác tại các vùng như đồi điều nhà già làng K’Giang, suối Chín Lưỡng, bàu Đình Rách, Suối Lớn, Suối Tre, bàu khoáng Phước Sơn.
Đặc biệt, thạc sĩ Bạch Thanh Hải, trưởng phòng khoa học hợp tác quốc tế của vườn quốc gia Cát Tiên, cho biết khoảng tháng 3-2008, nhận được tin báo của người dân về một con tê giác bị mắc bẫy trong rừng, đơn vị tổ chức điều tra ngay. Thế nhưng sau nhiều ngày điều tra, cơ quan chức năng không phát hiện dấu vết của tê giác bị mắc bẫy.
Từ tháng 10-2009, thạc sĩ Bạch Thanh Hải cùng với tiến sĩ Sarah Brook và Simon Mahood (đại diện cho WWF) dùng hai chú chó nghiệp vụ có tên Chevy và Pepper (thuê của Mỹ) để điều tra, tìm kiếm dấu chân, dấu phân của tê giác tại khu vực Cát Lộc. Kết quả qua bốn tháng, nhóm nghiên cứu đã thu thập được 22 mẫu phân của tê giác tại vùng Cát Lộc. Các mẫu phân này được gửi sang Trường ĐH Queen (Canada) để phân tích ADN xem còn bao nhiêu cá thể tê giác tại vườn quốc gia Cát Tiên.
“Ngay sau chuyến khảo sát và nghiên cứu, tôi và Sarah cùng thống nhất kết luận chắc chắn vườn quốc gia Cát Tiên chỉ còn lại duy nhất một cá thể tê giác. Thế nhưng chúng tôi không dám công bố vì phải đợi kết quả phân tích ADN của các mẫu vật”, anh Hải nói. Và quả thật mọi người đều bị sốc khi cuối tháng 4-2010, bộ xương của con tê giác cuối cùng đã được tìm thấy tại khu Cát Lộc thuộc xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Các cán bộ đã tìm thấy một đầu đạn ghim vào xương chân trước bên phải của con tê giác. Qua phân tích ADN từ 22 mẫu phân đã gửi trước đó cùng với mẫu xương của con tê giác đã chết, ĐH Queen kết luận tất cả mẫu vật đều là của một cá thể tê giác. Từ kết quả này, WWF chính thức công bố tê giác một sừng Java đã tuyệt chủng tại Việt Nam.
“Khi chúng tôi ra hiện trường để gom xương tê giác mang về, mọi người đều buồn, bốc từng mẩu xương mà mắt rưng rưng” - kiểm lâm viên vườn quốc gia Cát Tiên Phạm Quốc Vinh, một trong những người ra hiện trường đầu tiên, xúc động kể. Tiến sĩ Sarah khi được báo tin thốt lên một tiếng: “Tôi rất thất vọng và giận dữ!”.
Kết luận của Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an): mẫu vật bằng kim loại đã bị gỉ sét thu được ở bộ xương con tê giác chết tại khu vực Cát Lộc thuộc vườn quốc gia Cát Tiên vào cuối tháng 4-2010 là phần ống chứa thuốc cháy nằm trong lõi đầu đạn của loại đạn vạch đường kính cỡ 7,62mm x 39mm. Đây là loại đạn được sử dụng cho các loại súng quân dụng có cỡ nòng 7,62mm như loại súng AK47, CKC... Vì mẫu vật này đã hoen gỉ nên không đủ cơ sở để cơ quan chức năng giám định truy ra khẩu súng đã bắn con tê giác.
ĐỨC TUYÊN
____________________
Còn dưới cái nhìn của Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, sự tuyệt chủng của loài tê giác một sừng tại Việt Nam đã diễn ra như thế nào? Liệu những khuyến cáo có bị bỏ qua?
Kỳ tới: Cái chết đã được báo trước